1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

WHO: Thế giới có thể kiểm soát Covid-19 vào năm sau nếu "may mắn"

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng thế giới có thể kiểm soát được dịch Covid-19 vào năm sau "nếu thực sự may mắn".

WHO: Thế giới có thể kiểm soát Covid-19 vào năm sau nếu may mắn - 1

Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan (Ảnh: Reuters).

"Tôi cũng muốn nói rằng đại dịch sẽ kết thúc vào năm nay, nhưng tôi thực sự không nghĩ như vậy. Nếu chúng ta thực sự may mắn, chúng ta sẽ kiểm soát được đại dịch vào năm tới", Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết.

Theo ông Ryan, đại dịch có thể kết thúc sớm hơn nếu các quốc gia đảm bảo vắc xin được phân phối công bằng cho các nước nghèo hơn, thực hiện giãn cách xã hội và hỗ trợ tài chính đầy đủ cho các bệnh viện.

Quan chức WHO cho rằng, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể chứng kiến đại dịch kết thúc sớm hơn. Ông Ryan cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới vì không chia sẻ kho dự trữ vắc xin của họ nhiều nhất có thể với các quốc gia nghèo hơn.

Theo bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, nhiều nơi trên thế giới vẫn đang gia tăng số ca nhiễm.

"Trong 7 ngày qua, ở cấp độ toàn cầu, đã tăng 11,5% số ca nhiễm và 1% số ca tử vong", bà Van Kerkhove cho biết.

Trong tuần trước, nhiều khu vực trên thế giới đều ghi nhận số ca nhiễm gia tăng. Châu Âu tăng gần 21%, Đông Nam Á tăng 16,5%, khu vực Tây Thái Bình Dương tăng khoảng 30% và khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận mức tăng 15%.

Số ca tử vong do Covid cũng đã tăng lên một số khu vực trong 7 ngày qua. Tây Thái Bình Dương có số người chết tăng 10%, Đông Nam Á tăng 12%, Đông Địa Trung Hải tăng 4% và khu vực châu Phi cũng ghi nhận mức tăng đột biến gần đây.

Các biến chủng mới được dự đoán sẽ tiếp tục khiến số ca nhiễm tăng đột biến.

"Biến chủng Delta sẽ không phải là biến chủng cuối cùng mà bạn nghe thấy chúng tôi nhắc đến", bà Van Kerkhove cho biết.

Thời gian người dân trên khắp thế giới không được tiêm chủng và tiếp xúc với nhau càng kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến chủng nguy hiểm hơn càng cao. Các quan chức của WHO cho rằng việc đi lại giữa các quốc gia chỉ nên thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 15/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Trong bất kỳ đợt bùng phát dịch nào, chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của nó. Chúng ta cần phải biết những gì đã xảy ra để ngăn chặn đợt dịch tiếp theo".

Ông Tedros cũng cảnh báo thế giới đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ 3 khi biến thể virus bùng phát ở nhiều quốc gia.

Tổng giám đốc WHO nói chưa thể loại trừ giả thuyết Covid-19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm. Ông dẫn lại kinh nghiệm của mình khi còn là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và nhà miễn dịch học, nói rằng "tai nạn trong phòng thí nghiệm có thể xảy ra". Do vậy, ông Tedros cho rằng phải "kiểm tra những gì đã xảy ra, đặc biệt trong phòng thí nghiệm". Theo nhà lãnh đạo WHO, đây là điều quan trọng để tìm hiểu nguồn gốc đại dịch Covid-19.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang nợ hàng triệu người mắc Covid-19 và hàng triệu người đã tử vong lời giải thích về những gì thực sự đã xảy ra", ông Tedros cho biết.

Đầu năm nay, một nhóm điều tra quốc tế do WHO dẫn đầu đã đến thành phố Vũ Hán, Trung Quốc để điều tra nguồn gốc Covid-19. Báo cáo điều tra sau đó kết luận rằng, giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm "rất khó xảy ra". Tuy nhiên, nhiều nước, trong đó có Mỹ, và các nhà khoa học cho rằng kết luận của WHO chưa thỏa đáng.