1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Washington nói hầu hết tiền viện trợ cho Ukraine "quay trở lại Mỹ"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hầu hết số tiền mà Washington viện trợ cho Ukraine đã tạo ra công ăn việc làm ở Mỹ trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí.

Washington nói hầu hết tiền viện trợ cho Ukraine quay trở lại Mỹ - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland (Ảnh: Reuters).

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN tuần này rằng Washington dành phần lớn số tiền viện trợ cho Ukraine vào việc sản xuất vũ khí trong chính nước Mỹ. 

Bình luận về gói viện trợ 60 tỷ USD đang mắc kẹt ở quốc hội Mỹ, bà Nuland nhấn mạnh bà tin tưởng mạnh mẽ rằng nó sẽ được thông qua vì khoản tiền này "vì lợi ích của chính nước Mỹ".

Bà nói: "Chúng ta phải nhớ rằng phần lớn số tiền này sẽ quay trở lại nền kinh tế Mỹ, để sản xuất vũ khí, bao gồm tạo ra công ăn việc làm được trả lương cao ở khoảng 40 bang trên khắp nước Mỹ".

Bà khẳng định sự ủng hộ của Mỹ giành cho Ukraine vẫn mạnh mẽ.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây cũng cho biết khoảng 90% hỗ trợ tài chính cho Ukraine được chi cho việc sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự tại Mỹ. Ông nhận định, các gói viện trợ tiếp theo cho Ukraine sẽ "mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Mỹ, cộng đồng địa phương và củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ".

Theo Viện Kiel của Đức, Washington đã phân bổ gần 68 tỷ euro (73,7 tỷ USD) viện trợ cho Ukraine từ ngày 24/1/2022 đến 15/1/2024, bao gồm khoảng 43 tỷ euro (46,6 tỷ USD) viện trợ quân sự.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tiêu hao với Nga, Ukraine vẫn đang đối mặt với sự thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng. Vài ngày trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng Kiev có thể sẽ thua cuộc nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ.

Ukraine nói 50% vũ khí phương Tây chuyển giao muộn hơn cam kết

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết nước ông đang mất đi lãnh thổ trong cuộc chiến khốc liệt với Nga vì "50% vũ khí mà các đối tác phương Tây hứa hẹn đã không đến được Kiev đúng thời hạn".

Ông Umerov tiết lộ quân đội của ông đã xây dựng các công sự mới và "hàng nghìn thành trì". Tuy nhiên, ông cho biết sự chậm trễ trong việc cung cấp thiết bị của phương Tây đang dẫn đến bước lùi trên chiến trường.

"Chúng tôi có một kế hoạch. Chúng tôi đang làm việc theo kế hoạch. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể. Nhưng nếu không có nguồn cung cấp kịp thời vũ khí phương Tây thì điều đó thật khó khăn cho chúng tôi", ông thừa nhận.

Theo ông Umerov, lực lượng vũ trang Ukraine đang cạn kiệt tên lửa phòng không và đạn pháo.

Các máy bay phản lực F-16 mà NATO hứa viện trợ cho Ukraine vẫn chưa được bàn giao. Ông cho rằng lịch sử cho thấy không quốc gia nào có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến nếu không có "ưu thế trên không".

Ông nói, dù gặp phải những bất lợi này, nhưng Ukraine vẫn phá thế áp đảo của Nga ở Biển Đen, đồng thời đã giành lại được lãnh thổ ở phía đông bắc và phía nam đất nước vào mùa thu năm 2022.

Ông Umerov đồng thời đề cập tới các vụ án tham ô bị phanh phui trong quân đội Ukraine thời gian qua.

"Đối với tôi, tham nhũng trong thời chiến còn tồi tệ hơn cả khủng bố", ông cho biết, nhấn mạnh các đồng nghiệp của ông đang làm việc với các cơ quan chính phủ khác đang thực hiện các biện pháp để xóa bỏ nạn tham nhũng.

Ông nói thêm rằng Ukraine đã tăng cường đáng kể quy mô sản xuất máy bay không người lái. Ukraine cũng đã sản xuất các mẫu vũ khí có khả năng tấn công tầm xa.

Theo RT, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm