Vụ UAV tấn công Điện Kremlin tác động thế nào tới chiến sự Nga - Ukraine?
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, vụ UAV tập kích Điện Kremlin - mà Nga cáo buộc Ukraine đứng sau - có thể trở thành bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài hơn 14 tháng qua giữa 2 nước.
Nga ngày 3/5 cáo buộc Ukraine phóng UAV vào Điện Kremlin để thực hiện "kế hoạch ám sát" Tổng thống Vladimir Putin. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhanh chóng phủ nhận cáo buộc khi khẳng định rằng phía Kiev đang bận rộn "bảo vệ các ngôi làng và thành phố của chúng tôi" và Ukraine không có đủ vũ khí để thực hiện cuộc tập kích này.
Theo Newsweek, trong bối cảnh hiện chưa rõ ai là người đứng sau vụ tập kích, các chuyên gia cho rằng, vụ việc có thể trở thành một bước ngoặt trong chiến sự Nga - Ukraine.
Ông Mark N. Katz từ trường Chính sách Schar thuộc Đại học George Mason (Mỹ) nói với Newsweek: "Hiện chưa rõ những máy bay không người lái này đến từ đâu. Ngay cả khi chúng được trang bị vũ khí, khả năng xác định chính xác vị trí của ông Putin trong khu phức hợp Điện Kremlin là khá thấp".
Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, ông Putin đang làm việc tại dinh thự Novo Ogaryovo bên ngoài Moscow khi vụ việc xảy ra.
Trước vụ tấn công, truyền thông nhà nước Nga đã đưa tin vào tuần trước về việc các máy bay không người lái khác được phát hiện gần Moscow, trong đó có một chiếc được cho là chứa chất nổ.
Vào thời điểm đó, Thiếu tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu John Spencer nhận định, nếu xảy ra kịch bản Ukraine tập kích vào Moscow, điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới quan điểm của dư luận Nga với cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua. Chính quyền Moscow nhiều lần cáo buộc Ukraine gây ra mối đe dọa an ninh và các vụ tập kích vào lãnh thổ Nga, dù chưa rõ ai thực hiện, có thể sẽ củng cố cho mối nghi ngờ nói trên.
Mặt khác, Nga cũng đã úp mở về việc có thể sẽ đáp trả vào các nhân vật cấp cao Ukraine.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo: "Sau vụ việc, không còn lựa chọn nào khác là loại ông Zelensky và các thuộc cấp. Chúng ta không cần ông ấy ký vào một biên bản đầu hàng vô điều kiện".
Trong khi đó, nghị sĩ Nga Viktor Sobolev cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tấn công, coi đây là "lằn ranh đỏ cuối cùng mà Kiev đã vượt qua". Ông Sobolev kêu gọi chính quyền Nga ngay lập tức đáp trả bằng một cuộc tấn công vào các cơ sở chiến lược ở Kiev chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định như vậy mà không gây hại cho dân thường.
Theo chuyên gia David Silbey từ Đại học Cornell (Mỹ), vụ việc có thể khiến cho Nga quyết định leo thang hơn nữa chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhằm vào các cơ sở ra quyết định của đối phương. Điện Kremlin tuyên bố, họ có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào phù hợp.
Theo ông Silbey, Nga vẫn còn sở hữu các vũ khí và chiến thuật tấn công diện rộng có thể khiến tình hình thêm leo thang. Từ trước tới nay, Moscow thường tuyên bố tập kích vào mục tiêu quân sự, cơ sở hạ tầng năng lượng, viễn thông của Ukraine. Quy mô các cuộc tấn công có thể sẽ mở rộng nếu Nga quyết định đáp trả. Tuy nhiên, đây cũng là phỏng đoán, chưa có bất cứ cơ sở cụ thể nào.
Thêm vào đó, vụ việc này tiếp tục khiến quan hệ Nga - Ukraine thêm căng thẳng, dẫn tới triển vọng về một cuộc đàm phán dường như càng trở nên xa vời. Từ tháng 10 năm ngoái, ông Zelensky đã ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng thương lượng với ông Putin, nhưng vẫn để ngỏ sẽ đối thoại với tổng thống khác của Nga. Diễn biến ngày 3/5 có thể khiến cho giải pháp hòa bình cho cuộc chiến kéo dài gần 15 tháng tiếp tục lâm vào viễn cảnh bế tắc.