“Vũ khí” mới giúp Mỹ cạnh tranh Vành đai và Con đường của Trung Quốc
(Dân trí) - Một kế hoạch do Mỹ dẫn đầu nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn “thai nghén”, trong khi Bắc Kinh đã đi được chặng đường 6 năm để tạo dựng ảnh hưởng toàn cầu.
Mỹ, Nhật Bản và Australia đã công bố Mạng lưới Điểm Xanh (Blue Dot Network) tại một hội nghị cấp cao ở Bangkok, Thái Lan hồi đầu tháng. Sáng kiến này không nhắm đến mục tiêu trở thành nguồn “bơm” tài chính. Thay vào đó, Mạng lưới Điểm Xanh sẽ đánh giá các dự án cơ sở hạ tầng theo các tiêu chuẩn được đặt ra bởi một ủy ban điều hành gồm các cơ quan chính phủ, các viện phát triển tài chính và khu vực tư nhân.
Những dự án đạt tiêu chuẩn sẽ được công nhận là Điểm Xanh. Theo đó, các Điểm Xanh sẽ tập hợp lại thành một bản đồ toàn cầu về các dự án hạ tầng chất lượng cao.
Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Nước ngoài Mỹ (OPIC), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) sẽ là các thành viên của ban điều hành Mạng lưới Điểm Xanh. Các thành viên khác của ủy ban này sẽ được công bố trong vài tuần tới.
“Tôi chắc chắn rằng đến năm 2020, các bạn sẽ thấy các dự án được cấp chứng nhận Điểm Xanh trên toàn thế giới”, Giám đốc OPIC David Bohigian cho biết.
3 cơ quan hàng đầu của Mỹ, Australia và Nhật Bản vẫn đang duy trì mối quan hệ hợp tác 3 bên trong khuôn khổ Mạng lưới Điểm Xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án hạ tầng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sáng kiến hợp tác này vẫn chưa đặt bất kỳ dự án lớn nào dưới ô bảo trợ của mình.
Mạng lưới Điểm Xanh vẫn trong giai đoạn “thai nghén” và còn nhiều thứ phải đuổi kịp. Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đã rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã khởi động một kế hoạch tham vọng mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường từ năm 2013 nhằm kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua mạng lưới các cảng biển, đường cao tốc và đường sắt.
Theo Daniel Russel, cố vấn cấp cao về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, chính quyền Tổng thống Donald Trump không che giấu tham vọng chống lại tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, năm thứ 4 của một nhiệm kỳ là thời điểm khá muộn để bước vào “một cuộc chơi”.
Cạnh tranh với Trung Quốc
Sáng kiến Vành đai và Con đường được xây dựng như một chiến lược địa chính trị quy mô lớn, trong khi các thành viên chủ chốt của Mạng lưới Điểm Xanh khẳng định đây không phải là một sáng kiến của chính phủ, mà Mạng lưới Điểm Xanh thực chất do khối tư nhân dẫn đầu.
“Chính phủ Mỹ không được định hình một cách hiệu quả để tập hợp và chỉ đạo các công ty tư nhân đi theo một chính sách cụ thể. Không giống như Trung Quốc, Mỹ không có truyền thống về một nền kinh tế chỉ huy”, ông Russel nhận định.
Mạng lưới Điểm Xanh có thể đóng vai trò trong việc thiết lập các tiêu chuẩn, đồng thời kết hợp các mối quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân mà các công ty và các ngân hàng phát triển của Mỹ, Nhật Bản và Australia đã tham gia trước đây.
“Sẽ không dễ dàng cho hình thức hợp tác (như Mạng lưới Điểm Xanh) để phát triển theo cách mà có thể biến nó thành đối thủ cạnh tranh đáng kể với Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần ghi nhớ rằng, chỉ tính riêng Nhật Bản cũng đã là nhà đầu tư hạ tầng lớn nhất tại Đông Nam Á”, Elizabeth C. Economy, nhà nghiên cứu cấp cao về châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận định.
Mặc dù Mạng lưới Điểm Xanh hiện chưa có sự bảo đảm về tài chính, song Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho biết ủy ban điều hành của mạng lưới sẽ thảo luận về việc đóng góp tài chính trong tương lai. Đây là động lực quan trọng để khuyến khích các nước đang phát triển tham gia vào Mạng lưới Điểm Xanh.
Ở thời điểm hiện tại, khi Mạng lưới Điểm Xanh vẫn trong giai đoạn “thai nghén”, Bắc Kinh không có lý do gì để cảm thấy bị đe dọa.
“Bạn không thể đánh bại một thứ khi bạn chưa có gì trong tay”, chuyên gia Russel nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia, các nước điều hành Mạng lưới Điểm Xanh cần cung cấp tài chính nhiều hơn là chỉ dừng lại ở cơ chế chứng nhận dự án.
“Chắc chắn việc tham gia một sáng kiến không phải là điều tồi tệ. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là vấn đề thứ yếu đối với hầu hết các quốc gia”, Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại CFR, nhận định.
Ngay cả khi đưa ra các đề xuất dự án với sự đảm bảo về nợ, môi trường và tác động xã hội, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn mất các gói thầu trước những đề xuất giá rẻ và nguồn tiền dễ dàng của Trung Quốc.
Các dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đều đi kèm điều kiện về các giải pháp chống tham nhũng và nghiên cứu tính khả thi, trong khi các nước nhận đầu tư thường chưa có đủ chuyên môn cũng như nguồn lực để đáp ứng các điều kiện này.
“Người Trung Quốc đã đến với dự án trọn gói, bao gồm cả viện trợ và đào tạo. Không ai khác có thể làm được điều đó”, chuyên gia Russel nói về lợi thế của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Theo chuyên gia Russel, thay vì cơ chế cấp chứng nhận, Mỹ nên giúp chính phủ các nước nhận đầu tư phát triển năng lực để xem xét các đề xuất về hạ tầng và đàm phán các thỏa thuận tốt hơn.
Mạng lưới Điểm Xanh có thể giành được lợi thế trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về những gì đang xảy ra tại Sri Lanka và Tajikistan - những nước vướng vào bẫy nợ của Trung Quốc khi tham gia vào các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
“Nhiều nước đang xem xét kỹ lưỡng và đặt nghi vấn về tính bền vững của các dự án Vành đai và Con đường mà họ tham gia. Điều này cũng mở ra cánh cửa cho việc xem xét các lựa chọn thay thế cho những dự án phát triển do Trung Quốc dẫn đầu”, chuyên gia Economy của CFR cho biết.
Thành Đạt
Theo Nikkei