1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ lơ là để Trung Quốc đánh cắp các sở hữu trí tuệ

(Dân trí) - Các cơ quan liên bang Mỹ phản ứng quá chậm khi Bắc Kinh chiêu mộ nhiều nhà nghiên cứu tại Mỹ để đánh cắp sở hữu trí tuệ từ các phòng nghiên cứu Mỹ, khiến người Mỹ vô tình tài trợ cho sự lớn mạnh về quân sự và kinh tế của Trung Quốc.

Mỹ lơ là để Trung Quốc đánh cắp các sở hữu trí tuệ - 1

(Ảnh minh họa: The Hill)

Reuters đưa tin, Tiểu ban thường trực của Thượng viện về các cuộc điều tra ngày 18/11 đã công bố bản báo cáo dài 105 trang, trong đó nói rằng vào cuối những năm 1990, Trung Quốc đã bắt đầu trao đổi kinh phí, các quỹ nghiên cứu, không gian nghiên cứu và các ưu đãi khác để đổi lấy thông tin từ các phòng thí nghiệm tại các trường đại học ở Mỹ và các tổ chức nghiên cứu khác, phần lớn được tài trợ công khai.

Trong khi Bắc Kinh chiêu mộ các nhà nghiên cứu để tiếp cận công nghệ và khoa học tiên tiến trong suốt 20 năm qua thì các cơ quan chính phủ Mỹ đã không hành động kịp thời. Ví dụ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã không đáp trả mạnh mẽ cho tới tận giữa năm 2018, báo cáo cho biết.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan với nhiều vấn đề trong đó có thương mại và sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Washington đã cứng rắn với Bắc Kinh về cái mà họ cho sử dụng các biện pháp đôi khi bất hợp pháp nhằm có được các tiến bộ nhanh chóng về công nghệ.

Các nhà điều tra Thượng viện lấy một ví dụ rằng, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ trong chương trình “Hàng nghìn nhân tài” của Trung Quốc đã đánh cắp hơn 30.000 tài liệu điện tử, trong đó có các bài phát biểu, các tài liệu khoa học, các nghiên cứu và các biểu đồ từ một phòng thí nghiệm trước khi trở về Trung Quốc.

Trước các cáo buộc của phía Mỹ, chính phủ Trung Quốc nhiều lần cho rằng Washington đã phóng đại vấn đề vì các lý do chính trị, bác bỏ các cáo buộc gián điệp là không có cơ sở.

Các thượng nghị sĩ Rob Portman và Tom Carper cho hay họ sẽ sử dụng báo cáo trên để viết một dự luật nhằm chấm dứt “sự lạm dụng này” đối với các cơ sở nghiên cứu, sở hữu trí tuệ và tiền thuế của Mỹ.

“Các kế hoạch nhân tài này là một chiến thắng cho Trung Quốc. Trung Quốc thắng 2 lần. Trước tiên, người đóng thuế Mỹ tài trợ cho các nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc. Thứ 2, Trung Quốc lại sử dụng các nghiên cứu đó để nâng cao vị thế kinh tế và quân sự”, ông Portman cho biết trong một tuyên bố.

Báo cáo cho biết Trung Quốc ban đầu hi vọng thu hút khoảng 2.000 cho “Chương trình hàng nghìn nhân tài” và các chương trình khác, nhưng trên thực tế tính tới năm 2017 đã chiêu mộ hơn 7.000 người.

An Bình