1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không mặn mà với châu Á đa phương, Mỹ có thể “nhường sân” cho Trung Quốc

(Dân trí) - Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm dần sự quan tâm của Mỹ đối với các tổ chức đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương có thể là cơ hội để Trung Quốc “thế chân” trong khu vực.

Không mặn mà với châu Á đa phương, Mỹ có thể “nhường sân” cho Trung Quốc - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2018 (Ảnh: Getty)

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia vào năm 2011, cựu Tổng thống Barack Obama đã thông báo hướng tập trung mới của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và sau này được biết đến rộng rãi là chính sách xoay trục sang châu Á của Washington. Chiến lược của cựu Tổng thống Obama nhắm mục tiêu tăng cường sự can dự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đặt trọng tâm là cam kết đối với chủ nghĩa đa phương khu vực.

Từ quyết định tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong những ngày đầu nhiệm kỳ cho tới việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào những tháng cuối nhiệm kỳ, ông Obama tin rằng Mỹ có thể duy trì các lợi ích của mình thông qua việc củng cố các tổ chức trong khu vực.

Cựu Tổng thống Obama lần đầu tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali, Indonesia vào năm 2011 và đều đặn tham dự vào các năm sau đó, trừ năm 2013 khi chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời.

Tuy nhiên đến tháng 10 năm nay, Tổng thống Donald Trump đã đặt dấu chấm hết cho cách tiếp cận này, khi chỉ cử một quan chức bậc trung trong nội các tới tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Đây là năm thứ ba liên tiếp Tổng thống Trump không tới dự hội nghị, qua đó ông chủ Nhà Trắng muốn thể hiện quan điểm rằng, các tổ chức đa phương không có chỗ đứng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà ông vẫn thường tự hào tuyên bố.

Sự chuyển hướng của chính quyền Trump

Không mặn mà với châu Á đa phương, Mỹ có thể “nhường sân” cho Trung Quốc - 2

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (thứ 5 từ trái sang) dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Lào năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Việc Tổng thống Trump không mặn mà với chủ nghĩa đa phương đã được thể hiện ngay từ đầu. Bằng việc rút Mỹ khỏi TPP, đồng thời tuyên bố chỉ tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương và từ chối bổ nhiệm các thành viên cho cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính quyền Trump đã quay lưng lại với truyền thống 75 năm ủng hộ thương mại đa phương của lưỡng đảng Mỹ.

Chỉ một tuần sau khi từ chối tham gia cuộc họp cùng lãnh đạo các nước trong khuôn khổ hội nghị Đông Á, chính quyền Trump thông báo rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Không có nơi nào hợp tác đa phương quan trọng hơn ở khu vực Đông Á. Trong bối cảnh phải đối mặt với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, các nước trong khu vực mong muốn tìm ra các chiến lược để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các thỏa thuận đa phương hiệu quả sẽ cho phép các quốc gia trong khu vực đối phó với chiến lược chia rẽ và chinh phục của Trung Quốc, trong khi không bị ép buộc phải lựa chọn giữa Washington hay Bắc Kinh.

Dưới sự dẫn dắt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong 30 năm qua, khu vực này đã xây dựng nhiều thỏa thuận mới, giải quyết hàng loạt các vấn đề từ những lo ngại về chính trị và xuyên quốc gia như y tế công cộng hay năng lượng, tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á, cho đến các vấn đề an ninh, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Á, cũng như vấn đề thương mại, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và hiệp định TPP.

Tuy vậy, các cơ chế này được cho là mới chỉ mang lại những kết quả khiêm tốn, trong đó đáng chú ý nhất là TPP. Các hội nghị chỉ được xem giống như những cuộc gặp mặt đơn thuần.

Theo những người theo chủ nghĩa thực tế, việc có hay không tham gia vào các tổ chức quốc tế cũng không tác động, hoặc tác động rất ít, tới việc các quốc gia hành xử như thế nào trên thực tế. Chắc chắn việc tham gia vào các hội nghị thượng đỉnh không đảm bảo về một cam kết thực chất cho khu vực này.

Vai trò của tổ chức đa phương

Không mặn mà với châu Á đa phương, Mỹ có thể “nhường sân” cho Trung Quốc - 3

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien (trái), quan chức đại diện cho chính quyền Mỹ, tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Thái Lan năm 2019. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, các lãnh đạo khu vực vẫn đang tìm cách phỏng đoán ý định của Mỹ. Khi không có sự tham gia của Mỹ, các cơ chế đa phương không có cơ hội đưa ra một giải pháp khả thi trong bối cảnh diễn ra cuộc cạnh tranh nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, cũng không có gì chắc chắn rằng, khi phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn, các nước sẽ đứng về phía Mỹ.

Biển Đông là một trong những vấn đề cho thấy rõ nhất cách tiếp cận khác biệt của Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn đang tìm cách thúc đẩy mục tiêu của nước này tại Biển Đông bằng cách tập trung vào các cuộc đàm phán song phương, đồng thời hạn chế vai trò của Diễn đàn Khu vực ASEAN. Trong khi đó, Mỹ vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận đa phương nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đồng thời ngăn Trung Quốc sử dụng quyền lực của nước này để hăm dọa các nước nhỏ hơn.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là một kênh hữu hiệu cho sự can dự của Mỹ. Đây là hội nghị khu vực duy nhất có sự tham gia của nhiều nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga cùng các đồng minh quan trọng của Mỹ. Hội nghị này không chỉ tạo ra cơ hội để thảo luận về hàng loạt các vấn đề cấp bách của khu vực, mà còn là nơi diễn ra các cuộc gặp riêng giữa tổng thống Mỹ và các đối tác quan trọng.

Việc Mỹ không mặn mà với các tổ chức đa phương khu vực không chỉ là mối đe dọa duy nhất cho sự tồn tại của các tổ chức này. Ấn Độ gần đây cũng rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Điều này cho thấy, xu hướng đi theo chủ nghĩa đơn phương không chỉ giới hạn với Mỹ.

Việc Chile hồi tháng 10 bất ngờ hủy kế hoạch đăng cai hội nghị cấp cao APEC do vấn đề nội bộ là đòn giáng tiếp theo vào tổ chức đa phương khu vực. Mặc dù Trung Quốc thường rao giảng về việc tôn trọng cam kết với các tổ chức quốc tế, song chính nước này đã phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài thường trực, vốn không ủng hộ yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, trong vụ kiện với Philippines.

Khó có thể hy vọng rằng chính quyền Trump sẽ xem xét lại cái giá của cách tiếp cận bất cẩn của mình đối với chủ nghĩa đa phương trong khu vực. Tuy nhiên, các đồng minh và đối tác của Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các nỗ lực này, đồng thời sử dụng tầm ảnh hưởng của họ với Washington để thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn.

Vai trò lãnh đạo của Nhật Bản trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng có thể đóng vai trò nhất định, bằng cách tăng cường tiếng nói ủng hộ sự tham gia cấp cao của Mỹ vào các tổ chức đa phương và cử các phái đoàn cấp cao tới các hội nghị quan trọng của khu vực.

Việc xây dựng các tổ chức đa phương hiệu quả ở châu Á - Thái Bình Dương đang là thách thức lớn. Tuy nhiên, nỗ lực để duy trì các tổ chức này là “liều thuốc giải” quan trọng cho cuộc cạnh tranh nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đang đe dọa hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Thành Đạt

Theo Nikkei