1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Video đầu tiên về máy bay vận tải lớn nhất thế giới bị phá hủy ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một tuần sau khi máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225 của Ukraine bị phá hủy trong chiến sự với Nga, đoạn video quay xác của phi cơ này đã được đăng tải.

Video đầu tiên về máy bay vận tải lớn nhất thế giới bị phá hủy ở Ukraine - 1

Chiếc máy bay An-225 bị phá hủy nghiêm trọng (Ảnh chụp màn hình: The Drive).

Ngày 27/2, tập đoàn hàng không và quốc phòng Ukroboronprom của Ukraine thông báo rằng "máy bay huyền thoại của hàng không Ukraine An-225 Mriya đã bị phá hủy tại sân bay Antonov (còn gọi là sân bay Hostomel) gần Kiev".

Tập đoàn này cho biết thêm, việc đại tu, khôi phục máy bay này có thể ngốn hơn 3 tỷ USD và mất tới 5 năm.

Theo The Drive, đoạn phóng sự mới nhất ghi hình tại sân bay Hostomel cho thấy chiếc An-225 đã hư hỏng nặng, với phần mũi, cánh và một số động cơ bị phá hủy nghiêm trọng. Một số bộ phận của máy bay dường như còn nguyên vẹn, nhưng rất khó để xác định xem tình hình thực tế của nó như thế nào.

Video đầu tiên về máy bay vận tải lớn nhất thế giới bị phá hủy ở Ukraine

Sân bay Hostomel được xem là khu vực chiến lược vì nằm cách thủ đô Kiev chưa tới 10 km. Nơi đây đã diễn ra giao tranh căng thẳng giữa lực lượng Nga và Ukraine trong suốt ngày đầu Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng hôm 24/2. Moscow hiện đã giành được quyền kiểm soát sân bay này.

Antonov An-225 Mriya được chế tạo từ thời Liên Xô nhưng đến nay vẫn là chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới. An-225 là máy bay vận tải duy nhất trong dòng này. Ukraine đã bắt tay chế tạo chiếc thứ hai nhưng chưa bao giờ hoàn thiện. Máy bay An-225 lần đầu sải cánh vào năm 1988.

Được trang bị 6 động cơ phản lực với sải cánh dài gần bằng một sân bóng đá, An-225 Mriya có thể vận chuyển hàng hóa với tải trọng lên tới 250 tấn, lớn hơn bất kì loại máy bay nào. Antonov An-225 Mriya thu hút sự quan tâm bất cứ khi nào nó xuất hiện ở sân bay khi thực hiện một trong những hoạt động vận chuyển hàng hóa tải trọng nặng hiếm có. 

An-225 từng tham gia vào một số sứ mệnh vận chuyển hàng cứu trợ cho nhiều quốc gia, như cứu trợ Haiti sau thảm họa động đất năm 2010 hay vận chuyển hàng hóa cứu trợ trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Vào tháng 4/2020, An-225 tiếp tục lập kỷ lục khi vận chuyển 100 tấn thiết bị bảo hộ trong cuộc chiến chống Covid-19, thuốc men và các xét nghiệm từ Thiên Tân, Trung Quốc, đến Warsaw, Ba Lan. Cuộc hạ cánh ở Ba Lan được phát trực tiếp tới 80.000 khán giả.

An-225 hiếm khi cất cánh do chi phí vận hành tốn kém. Ước tính, mỗi giờ bay của AN-225 sẽ tốn hơn 20 tấn nhiên liệu, tương đương với 6.700 USD. Do vậy, nó chỉ được sử dụng để thực hiện những sứ mệnh đòi hỏi khắt khe nhất. Từng có thời gian An-225 phải "đắp chiếu" trong nhà chứa máy bay suốt 7 năm khiến nhiều phần bị rỉ sét, trước khi được hồi sinh vào năm 2001.

Theo The Drive
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine