1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vị thế mới nổi của Ấn Độ-Thái Bình Dương

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 và những vấn đề liên quan tới Trung Quốc đang thúc đẩy sự nổi lên của một khu vực địa chính trị mới.

Vị thế mới nổi của Ấn Độ-Thái Bình Dương  - 1

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan di chuyển trên Biển Đông tháng 10/2019. (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ)

Theo News Statesman, một số sự kiện lớn diễn ra trong những tuần qua đều có một điểm chung là có liên quan tới tình hình địa chính trị ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các tàu chiến Mỹ làm nhiệm vụ trên Biển Đông. Australia thông báo họ sẽ ủng hộ Đài Loan trở lại tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng bàn về phương pháp thu hút các công ty sản xuất chuyển từ Trung Quốc tới Ấn Độ.

Trong cuốn sách Indo-Pacific Empire (tạm dịch: Đế chế Ấn Độ - Thái Bình Dương), chuyên gia Rory Medcalf từ Đại học quốc gia Australia đã mô tả về sự thành hình dần dần của khối nói trên trên bản đồ địa chính trị thế giới. Theo ông Medcalf, trung tâm của khối này sẽ là “Bộ tứ kim cương” gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ, nhưng sẽ có thể có thêm sự tham gia của nhiều nước có đường bờ biển khác ở Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á.

Khối địa chính trị này được đánh giá là linh hoạt và đa cực hơn bất cứ các khối nào khác trong quá khứ và có thể sẽ hợp lại để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

“Khối Ấn Độ - Thái Bình Dương vừa là một khu vực, vừa là một “phép ẩn dụ” cho các hoạt động tập thể, tự giúp lấy mình đồng thời giúp đỡ lẫn nhau”, theo ông Medcalf.

Theo News Statesman, sự hoài nghi đối với Trung Quốc được xem ngày càng gia tăng trên thế giới. Australia đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế tìm hiểu nguồn gốc dịch Covid-19. Nhật Bản chi hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty nước này chuyển trụ sở khỏi Trung Quốc.

Ấn Độ, trong khi đó, thắt chặt các hạn chế đầu tư nhằm bảo vệ các công ty nội địa khỏi viễn cảnh bị người Trung Quốc thu mua. Cuộc họp do Thủ tướng Modi chủ trì được xem là biểu hiện cho sự sẵn sàng của quốc gia này trong mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất đối thủ với Trung Quốc trong tương lai.

Với người dân trong khu vực, tâm lý không thiện cảm với Trung Quốc được xem cũng gia tăng từ Ấn Độ, cho tới các quốc gia ở khu vực Biển Đông - nơi Trung Quốc có những yêu sách chủ quyền phi pháp, bị cộng đồng quốc tế phản đối.

Một khảo sát gần nhất của hãng Pew cho biết ít nhất 66% người dân Mỹ có cái nhìn “thiếu thiện cảm” với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới gần. Các chuyên gia dự đoán quan điểm cứng rắn với Trung Quốc có thể sẽ trở thành một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự của 2 ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Các sự kiện diễn ra thời gian qua dường như củng cố thêm quan điểm của ông Medcalf, khi ông cho rằng Trung Quốc dường như đang khiến các khu vực của khối Ấn Độ - Thái Bình Dương xích lại gần nhau. Australia ủng hộ Đài Loan tham gia một sự kiện WHO và Nhật Bản cũng đưa ra quan điểm ủng hộ. Các hành vi khiêu khích trên Biển Đông của Trung Quốc cũng đã khiến nhiều quốc gia lên tiếng phản đối và có các hành động đáp trả lại Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, nhóm “Bộ tứ kim cương” trong thời gian qua đã mời thêm một số quốc gia tham gia các cuộp họp của họ như Hàn Quốc, New Zealand… Giới quan sát cho rằng viễn cảnh khối mở rộng thêm thành viên là hoàn toàn có thể xảy ra.

Còn quá sớm để đưa ra dự đoán về một khối địa chính trị mới hậu đại dịch, tuy nhiên, News Statesman cho rằng dự đoán của ông Medcalf không phải là không có khả năng xảy ra và các sự kiện diễn ra trong thời gian tới có thể là câu trả lời rõ ràng cho nhận định nói trên.

Đức Hoàng

Theo News Statesman