Vì sao Ukraine sản xuất xe tăng Leopard phiên bản "hàng nhái"?
(Dân trí) - Ukraine công bố dự án sản xuất xe tăng Leopard giả bằng xe ô tô bán tải, trong một nỗ lực nhằm đánh lừa vũ khí của lực lượng Nga.
Defense Express đưa tin, sản xuất vũ khí giả là một trong những ngành đang phát triển nhanh chóng ở Ukraine, trong đó có sản phẩm xe tăng Leopard 2 giả do công ty Temerland LLC chế tạo.
Công ty này đang triển khai dự án chế tạo phiên bản "hàng nhái" của xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 dựa trên chiếc xe ô tô bán tải.
Giám đốc điều hành Temerland Eduard Trotsenko cho biết phiên bản bằng kim loại đầu tiên của xe tăng Leopard 2 sẽ được sản xuất trong tuần này.
Mẫu xe tăng giả này dựa trên mẫu xe bán tải Ford được trang bị hệ thống điều khiển từ xa. Sau đó, chiếc ô tô sẽ được lắp đặt nhiều hệ thống phía bên trên, biến nó thành một bản sao của xe tăng Leopard - một trong những mục tiêu tấn công ưu tiên của lực lượng Nga.
Theo hình ảnh do công ty cung cấp, các mô-đun lắp trên chiếc xe bán tải có thể được tháo rời dễ dàng, đưa lên xe vận chuyển tới khu vực khác trên tiền tuyến.
Mục tiêu của Temerland là tạo ra một phiên bản giống như thật của Leopard khiến Nga khó có thể phân biệt từ trên không.
Phiên bản này thậm chí có thể điều khiển từ xa, khiến nó càng giống như thật, để đánh lừa lực lượng Nga, nhằm để Moscow lãng phí đạn dược, tên lửa chống tăng đắt tiền để phá hủy những mục tiêu giá thành tương đối rẻ.
Nhìn chung, theo giới quan sát, Ukraine đang ngày càng sử dụng nhiều mô hình vũ khí giả, trị giá dưới 1.000 USD để đánh lừa Nga. Tuy nhiên, các mô hình này thường làm bằng nhựa, cao su và khá thô sơ.
Những vũ khí giả làm mồi nhử của Ukraine được tạo ra với mục đích duy nhất là: bị Nga phá hủy càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Ước tính hàng trăm vũ khí như vậy đã bị Nga phá hủy gần như ngay sau khi được triển khai.
Loạt vũ khí có thể kể đến như pháo D-20 của Ukraine, pháo M777 do Mỹ sản xuất, súng cối, radar phòng không và nhiều loại khác.
Bất cứ vũ khí nào được triển khai ở Ukraine, công ty thép Metinvest, đơn vị điều hành nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, đều có thể sao chép. Nhờ đó, những mô hình "như thật" ra đời.