1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Trung Quốc quyết bám trụ chiến lược "Không Covid"?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia vẫn tranh cãi về thời điểm Trung Quốc từ bỏ chiến lược không khoan nhượng với đại dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại tại nước này.

Vì sao Trung Quốc quyết bám trụ chiến lược Không Covid? - 1

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Trung Quốc (Ảnh: AFP).

Trung Quốc ngày 7/11 ghi nhận 65 ca mắc Covid-19 có triệu chứng trong cộng đồng, tăng so với 2 ngày trước đó, mặc dù số ca bệnh nghiêm trọng đã giảm xuống còn 28 trường hợp, so với 35 trường hợp cách đây một tuần, do một số tỉnh tuyên bố có tiến triển trong việc kiểm soát cụm dịch.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đợt bùng phát dịch mới nhất đã lan đến 44 thành phố ở 20 tỉnh, tập trung nhiều nhất ở các khu vực phía bắc Hắc Long Giang, Nội Mông và Cam Túc. 4 trong số các tỉnh này đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng trong một tuần. Trung Quốc cũng ghi nhận 46 ca nhiễm không triệu chứng và 24 ca nhiễm nhập cảnh.

Từ ngày 17/10-5/11, khi đợt dịch mới bùng phát, Trung Quốc đã ghi nhận 918 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đây cũng là đợt dịch lây lan rộng nhất tại Trung Quốc kể từ sau đợt dịch ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019.

Đợt dịch mới nhất ở Trung Quốc kể từ ngày 17/10 có liên quan đến biến chủng Delta dễ lây lan hơn. Ổ dịch mới được cho là liên quan tới một nhóm khách du lịch trong nước khởi hành từ thành phố Thượng Hải đến một số tỉnh.

Trong khi nhiều nước trên thế giới đã chuyển dần sang chung sống an toàn với đại dịch , Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược xóa sổ hoàn toàn Covid-19 hay còn gọi là "Zero Covid" (Không Covid). Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Trung Quốc ghi nhận gần 5.000 ca tử vong do Covid-19.

Thành công của Trung Quốc trong việc dập tắt các đợt bùng phát dịch nhờ chiến lược Zero Covid đã nhận được sự ủng hộ của người dân, trong khi những quốc gia coi Covid-19 là bệnh dịch đặc hữu chứng kiến các đợt bùng phát dịch lớn.

Vì sao Trung Quốc quyết bám trụ chiến lược Không Covid? - 2

Các nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm tại một khu dân cư ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hôm 2/11 (Ảnh: Getty).

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên và cũng là quốc gia đông dân cuối cùng còn theo đuổi chiến lược đối phó không khoan nhượng với đại dịch Covid-19. Với việc theo đuổi chiến lược này, Trung Quốc vẫn còn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để dập dịch gồm phong tỏa, truy vết tiếp xúc và xét nghiệm diện rộng. 

Chỉ cần ghi nhận một hoặc một vài ca nhiễm, các nhà chức trách Trung Quốc có thể phong tỏa toàn bộ một khu vực, thậm chí một thành phố và tiến hành xét nghiệm khẩn cấp trên diện rộng để phát hiện các ca lây nhiễm. Trung Quốc cũng thực hiện hàng loạt biện pháp cứng rắn để dập tắt ổ dịch, từ hạn chế đi lại, yêu cầu học sinh học trực tuyến, dừng các dịch vụ phương tiện công cộng, đóng cửa các khu du lịch hoặc nơi tập trung đông người.

Tuy nhiên, chiến lược Zero Covid cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia cho rằng, chiến lược này vẫn đang thành công trong việc khống chế virus, nhưng những biện pháp hạn chế được triển khai bất chợt bắt đầu làm gián đoạn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Một video mới được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc cho thấy, người dân Cam Túc phải xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ngoài trời, bất chấp tuyết rơi. Trong khi đó, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục nổ ra về việc liệu chiến lược Zero Covid có nên tiếp tục được duy trì hay không.

Duy trì Zero Covid đến khi nào?

Vì sao Trung Quốc quyết bám trụ chiến lược Không Covid? - 3

Các nhân viên sắp xếp đồ ăn tại một khu chung cư bị phong tỏa ở Bắc Kinh ngày 3/11 (Ảnh: Getty).

Giới quan sát nhận định, đã đến lúc Trung Quốc có thể phải đánh giá lại chiến lược ứng phó với Covid-19 khi thế giới đã mở cửa. Một câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có thể kéo dài chiến lược Zero Covid đến khi nào?

"Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ không mở cửa trở lại trong một năm tới", Chen Zhengming, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford, cho biết.

Theo ông Chen, tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc rất cao, nhưng nếu không tiêm phủ đầy đủ mũi vaccine tăng cường và tình hình dịch bệnh ở những nơi khác không thay đổi đáng kể, khả năng Trung Quốc mở cửa trở lại và từ bỏ chiến lược Zero Covid là "rất thấp".

Ông Chen cho rằng, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc tiếp tục lựa chọn chiến lược Zero Covid và duy trì tình trạng tách biệt với thế giới trong 3-4 năm nữa, nước này vẫn có thể "tự cung tự cấp khá tốt trong nội bộ" vì Trung Quốc là một nước lớn.

Theo chuyên gia Jason Wang tại Đại học Stanford, một lý do nữa khiến Trung Quốc kiên trì với chính sách Zero Covid và trì hoãn việc mở cửa trở lại là hệ thống y tế của nước này.

"Rất khó để chăm sóc y tế cùng một lúc ở nhiều thành phố. Số ca nhiễm tăng nhẹ cũng có thể khiến các bệnh viện quá tải và dẫn đến bất ổn xã hội", ông Wang nói.

Theo chuyên gia Wang, "rất khó để dự đoán" chiến lược Zero Covid của Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu. "Nó có thể tiếp tục trong thời gian dài", ông Wang nói.

Yanzhong Huang, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, dự đoán sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách của Trung Quốc, ít nhất cho đến sau đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2022.

"Chính phủ Trung Quốc không cho phép bất kỳ rủi ro nào xảy ra trước sự kiện này", ông Huang nhận định.

George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, cho rằng sẽ là điều ngạc nhiên nếu Trung Quốc ngừng chiến lược Zero Covid trước Thế vận hội mùa đông và đại hội đảng vào năm sau.

"Trung Quốc coi thành tích chống Covid-19 như một huy hiệu danh dự và sự thay đổi chiến lược vào lúc này sẽ khó xử. Khó có chuyện Trung Quốc chấp nhận rủi ro nới lỏng các biện pháp hạn chế trước khi vaccine của họ được cải thiện. Tôi không thấy bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến quyết định kiên trì với Zero Covid và không tiếp nhận phần lớn du khách nước ngoài", chuyên gia Magnus nhận định.

Shuang Ding, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc đại lục và Bắc Á tại Ngân hàng Standard Chartered (Hong Kong), cho rằng Trung Quốc có thể xem xét phương án mở cửa "dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác", đặc biệt là những nước đã đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng và quyết định coi Covid-19 như bệnh đặc hữu.

Gary Bowerman, giám đốc công ty lữ hành Check-in Asia, cho rằng Trung Quốc sẽ không mở cửa biên giới trước Thế vận hội Mùa đông, mà có thể là vào quý 2 năm sau, hoặc sau một năm nữa.