1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Trung Quốc nói "Zero Covid" đỡ tốn kém hơn sống chung với dịch

Minh Phương

(Dân trí) - Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho rằng, chiến lược "Zero Covid" (Không Covid) ít tốn kém hơn so với chiến lược sống chung với dịch và áp các hạn chế mỗi khi bùng dịch.

Chuyên gia Trung Quốc nói Zero Covid đỡ tốn kém hơn sống chung với dịch - 1

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn tin rằng Trung Quốc sẽ còn theo đuổi chiến lược Zero Covid trong thời gian dài (Ảnh: Weibo).

Trả lời phỏng vấn hãng tin CGTN ngày 1/11, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn nói rằng, Trung Quốc không có lựa chọn nào ngoài nhắm tới mục tiêu không ca mắc Covid-19 vì virus SARS-CoV-2 nhân bản nhanh chóng và tỷ lệ tử vong do Covid-19 toàn cầu khoảng 2% là không chấp nhận được.

"Một số nước quyết định mở cửa hoàn toàn bất chấp vẫn còn ca mắc. Điều này dẫn đến số ca nhiễm tăng mạnh trong hai tháng qua và họ buộc phải quyết định áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế. Chiến lược này thực sự tốn kém hơn và kéo theo những tác động tiêu cực về mặt tâm lý đối với người dân và xã hội.

Trung Quốc hiện vẫn là một trong những quốc gia áp dụng các biện pháp ứng phó Covid-19 quyết liệt nhất trong khi các nước như Anh, Hàn Quốc quyết định nới lỏng hạn chế về đi lại và hội họp đồng thời khuyến khích người dân tiêm chủng để nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường trước dịch.

Mặc dù số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng trở lại ở những quốc gia này, nhưng độ phủ vaccine rộng đã giúp hạn chế tỷ lệ bệnh nhân nặng hoặc tử vong, qua đó giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Ông Chung Nam Sơn cho biết, Trung Quốc sẽ còn theo đuổi chiến lược Zero Covid (Không Covid) trong một thời gian dài nữa, nhưng thời gian cụ thể bao lâu còn phụ thuộc vào việc các nước khác kiểm soát dịch.

"Bất kể Trung Quốc làm tốt như thế nào, một khi mở cửa và có ca nhập cảnh, chắc chắn sẽ có lây nhiễm trong nước. Do vậy, tôi tin rằng chiến lược "Zero Covid" trước mắt không quá tốn kém và thực tế là phương pháp ít tốn kém hơn", ông Chung Nam Sơn nói.

Tháng trước, chuyên gia này từng nói rằng, các biện pháp hạn chế phòng dịch là cần thiết bởi tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 của Trung Quốc chưa vượt ngưỡng 80% dân số.

Tính đến cuối tháng 10, Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 1 tỷ dân, tương đương 76% dân số. Bất chấp các biện pháp phong tỏa cục bộ, xét nghiệm diện rộng, siết kiểm soát biên giới, hạn chế đi lại, Trung Quốc vẫn trải qua ít nhất 7 đợt bùng phát dịch kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà. Một số ổ dịch liên quan đến các ca nhập cảnh ở các khu vực biên giới.

Những tuần gần đây, Trung Quốc đã phát hiện các ca Covid-19 ở 16 tỉnh và khu vực, chủ yếu liên quan đến du lịch nội địa. Mặc dù vậy, truyền thông địa phương Trung Quốc vẫn ca ngợi chiến lược hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong do Covid-19 là một thành công.

Chiến lược Zero Covid đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia phân tích cho rằng, chiến lược này vẫn đang thành công trong việc khống chế virus, nhưng nó khiến Trung Quốc "ngày càng sơ hở trước phí tổn kinh tế dài hạn, do các yếu tố bất định trên con đường thoát dịch".