1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao ông Biden kín tiếng về cuộc khủng hoảng Gaza?

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden bị chỉ trích vì chậm trễ đưa ra một thông điệp rõ ràng về xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Vì sao ông Biden kín tiếng về cuộc khủng hoảng Gaza? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Getty).

Một tuần sau khi chiến sự khốc liệt giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza nổ ra, Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm tối 17/5 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ một lệnh ngừng bắn. Trong cuộc điện đàm, ông Biden một lần nữa nhấn mạnh ủng hộ "quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công rocket bừa bãi" và ủng hộ Israel "nỗ lực hết mình để bảo vệ dân thường".

Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng chính thức đề cập đến lệnh ngừng bắn trong nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang trong bối cảnh chính quyền của ông Biden đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ chính các thành viên đảng Dân chủ Mỹ.

Nỗ lực ngoại giao hậu trường

Suốt 1 tuần qua, thay vì đưa ra một thông điệp rõ ràng, ông Biden chọn cách kín tiếng về cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas. Những lần ông Biden bình luận công khai về vấn đề này là khi phóng viên chủ động đặt câu hỏi và khi đó mọi câu từ đều rất thận trọng. "Tôi hy vọng căng thẳng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt. Israel có quyền tự vệ khi hàng nghìn tên lửa nhằm vào họ. Tôi hy vọng chuyện này sẽ sớm kết thúc", ông Biden phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tuần trước.

Theo Nhà Trắng, cách tiếp cận này là bởi chính quyền Tổng thống Biden đang ưu tiên cho các nỗ lực ngoại giao hậu trường của Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và những thành viên khác.

Vì sao ông Biden kín tiếng về cuộc khủng hoảng Gaza? - 2
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thực hiện các nỗ lực ngoại giao ở hậu trường về vấn đề Gaza (Ảnh minh họa: NPR).

"Trao đổi liên tục" là cụm từ được ông Biden đề cập với phóng viên khi nói về phương thức tiếp cận của Washington với căng thẳng hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas. Tổng thống Biden đã tiến hành các cuộc điện đàm riêng với Thủ tướng Israel Netanyahu, trong khi Ngoại trưởng Blinken trao đổi với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Giới chức ngoại giao Mỹ cũng trao đổi với phía Ai Cập, Jordan và Qatar - những nước được cho là có tầm ảnh hưởng với phong trào Hamas. Trong khi đó, một đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã tới Trung Đông.

Điều chỉnh ưu tiên chính sách

Ilan Goldenberg, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chương trình an ninh Trung Đông, nhận định phản ứng thận trọng của ông Biden là sự cân bằng giữa tiến hành trao đổi cần thiết với các bên liên quan với việc không gây kỳ vọng quá mức rằng Washington sẽ can dự sâu vào để chấm dứt mọi chuyện.

Theo ông Goldenberg, các phát ngôn của tổng thống có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó sẽ phát đi thông điệp cho tất cả các bên rằng Mỹ quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, việc can dự quá sâu cũng kéo theo những vấn đề khác, đặc biệt là khi chính quyền của ông Biden đã thể hiện rõ muốn tập trung nguồn lực chính sách đối ngoại để cạnh tranh với Trung Quốc và phục vụ các vấn đề kinh tế thay vì lún sâu vào các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Vì sao ông Biden kín tiếng về cuộc khủng hoảng Gaza? - 3
Căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza leo thang nghiêm trọng (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, ông Biden đang chịu sức ép rất lớn từ các nghị sĩ Dân chủ trước việc thay đổi chính sách lâu năm của Mỹ với Israel. Họ hối thúc ông Biden gây áp lực lên chính quyền Thủ tướng Israel để chấm dứt bạo lực ở Dải Gaza.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Alexandra Ocasio-Cortez hôm 16/5 bình luận trên Twitter: "Nếu Mỹ đóng vai trò một trung gian hòa giải nghiêm túc thì chúng ta phải hoàn thành vai trò đó. Tổng thống và nhiều quan chức nói rằng Israel có quyền tự vệ, vậy quyền được sống của người Palestine thì sao? Đây không phải chuyện của hai bên. Đây là vấn đề cán cân quyền lực".

Nhà Trắng đã bác bỏ chỉ trích này. Một quan chức an ninh quốc gia Mỹ lập luận, mọi tuyên bố của chính phủ Mỹ đều lên án mạnh mẽ bạo lực nhằm vào dân thường ở Gaza. Trong một bài phát biểu qua video cuối tuần qua, ông Biden nói: "Chúng tôi tin rằng người Palestine và Israel đều có quyền được sống trong an ninh và hòa bình, và được hưởng các biện pháp bình đẳng về tự do, thịnh vượng và dân chủ. Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục phối hợp với phía Palestine, Israel và các đối tác khác trong khu vực để hướng đến một sự ổn định lâu dài".

Xung đột giữa quân đội Israel và lực lượng dân quân Hamas ở Dải Gaza nổ ra từ đầu tuần trước. Israel cáo buộc Hamas đã phóng hơn 3.300 rocket từ Gaza về phía Israel trong vòng hơn 1 tuần qua. Israel cũng tuyên bố đã đáp trả bằng hơn 1.000 vụ không kích nhằm vào các mục tiêu được cho là của Hamas và các lực lượng dân quân ở Gaza. Các cuộc giao tranh đến nay khiến hơn 200 người ở Gaza thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy