1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tiêm kích Nga ra đòn "dằn mặt" F-16 Ukraine?

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Hôm 2/2, tiêm kích Su-30SM2 Nga được cho là đã bắn hạ Su-27 của Ukraine. Liệu chiến đấu cơ F-16 mà Kiev vừa tiếp nhận có nhiều cơ hội khi chạm trán với đối thủ sừng sỏ?

Tiêm kích Nga ra đòn dằn mặt F-16 Ukraine? - 1

Ukraine đang rất cần tiêm kích F-16 để thay đổi cuộc chơi (Ảnh: Sky News).

F-16 Ukraine đã tham chiến và lập công

Sau gần 3 năm xung đột, phòng không - không quân Ukraine dù bị Nga săn lùng và tiêu diệt nhưng vẫn bảo toàn tương đối lực lượng và vẫn có những trận đánh trả hiệu quả. Tuy vậy, về cơ bản Nga vẫn làm chủ bầu trời. Không quân Ukraine với số lượng ít ỏi còn lại khó có thể giúp xoay chuyển tình thế.

Vì thế, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra sức vận động các nước phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu, trong đó có F-16 Fighting Falcon (Chim ưng chiến). Mong ước này đã thành sự thật khi vào cuối năm ngoái, những chiếc "Chim ưng chiến" đầu tiên được bàn giao.

Một khi được trang bị với số lượng đủ lớn, F-16 phối hợp cùng MiG-29, Su-27 giúp Ukraine giành lại thể chủ động tương đối ở trên không nhằm đánh chặn hoặc cản trở các hoạt động của máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình hoặc thậm chí là cả UAV Nga.

Bên cạnh đó, chúng có thể chi viện hỏa lực cho lục quân hoặc đóng vai trò là phương tiện mang phóng nhằm tiến hành các đòn tấn công hoặc trả đũa tầm xa bằng tên lửa hành trình của Mỹ (AGM-158 JASSM cùng biến thể đối hạm LRASM) hoặc phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga và các khu vực ở miền Đông Ukraine hiện do Moscow kiểm soát.

Tuy nhiên, sự kiện Su-27 bị Su-30SM2 của Nga phóng tên lửa tầm xa R-37M bắn hạ hôm 2/2 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy hiểm rằng, tất cả chiến đấu cơ Ukraine, bao gồm cả F-16 đều phải đối mặt và hứng chịu đòn tấn công thần tốc của những đối thủ sừng sỏ như MiG-29, MiG-31, Su-27, Su-30 (SM/SM2 nâng cấp), Su-35 hoặc tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ 5.

"Móng vuốt" Su-35 và Su-30SM có thể quắp chặt "Chim ưng chiến"

Như đã nói ở trên, do số lượng F-16 quá ít và phi công cũng mới vận hành dòng máy bay này ở mức cơ bản nên trong giai đoạn vừa qua, để bảo toàn vốn liếng quý giá, Không quân Ukraine chỉ sử dụng "Chim ưng chiến" cho nhiệm vụ bay thấp leo cao, bất ngờ đột kích ném bom lượn hoặc tên lửa hành trình vào các mục tiêu mặt đất hoặc tham gia đánh chặn tên lửa hành trình và UAV Nga.

Thực tế, chúng đã tham chiến và có được những thành tích nhất định. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Sky News hồi cuối tháng 11/2024, Tổng thống Zelensky cho biết, mặc dù Ukraine hiện có số lượng máy bay chiến đấu F-16 hạn chế, nhưng hiệu quả trong việc chống lại các mối đe dọa trên không từ Nga là rất cao, chúng đã phá hủy 7 tên lửa hành trình của đối phương.

Ông tuyên bố: "Hôm nay những chiếc F-16 hoạt động thế nào? Rất tốt. Nói chung là xuất sắc. Chúng tôi có rất ít máy bay F-16. Bây giờ chúng đang làm gì? Chúng đã phá hủy 7 tên lửa hành trình 2 đêm trước. Bảy tên lửa đang bay vào cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng dân sự".

Tuy vậy, để không chiến và giành thắng lợi trước các đối thủ sừng sỏ của Nga là nhiệm vụ không hề dễ dàng với "Chim ưng chiến" vì mấy lý do sau đây:

Thứ nhất, radar AN/APG-66(V)2A trên F-16AM của Ukraine chỉ phát hiện mục tiêu phản xạ 3-5m2 ở cự ly không quá 60-80km, thua xa so với con số 400km của radar N035 Irbis trên Su-35 và Su-30SM2 "thợ săn tàng hình" (Nga dự kiến sẽ có khoảng 110 chiếc vào năm 2027).

Như vậy, Su-35 và Su-30SM2 có thể phát hiện F-16AM ở cự ly 250-300km. Sau khi phát hiện và tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 200-230km, máy bay chiến đấu Nga sẽ có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm xa R-37M để tiêu diệt.

Hôm 2/2, Su-30SM2 bắn hạ Su-27 Ukraine ở cự ly chỉ có 130km. Cự ly càng ngắn thì xác suất trúng đích của tên lửa càng cao và phi công đối phương có rất ít cơ hội thoát khỏi sự truy đuổi.

Tiêm kích Nga ra đòn dằn mặt F-16 Ukraine? - 2

Tiêm kích F-16 Ukraine (trái) và Su-35 Nga sắp có những cuộc đối đầu nảy lửa trên bầu trời Ukraine (Ảnh minh họa: Telegram).

Thứ hai, vũ khí không đối không đi kèm F-16 Ukraine bao gồm tên lửa AIM-9 với tầm bắn tới 40km và theo các bức ảnh đã công bố, "Chim ưng chiến" đã nhận được tên lửa AIM-120 AMRAAM thuộc phiên bản AIM-120B và AIM-120C, cho phép chúng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 70 và 105km.

Ngược lại, tên lửa R-37M (RVV-BD) sử dụng đầu dò radar chủ động và bán chủ động cho phép phi công "bắn và quên" trong cự ly tới 300km. Một loại tên lửa tầm trung khác của Nga là R-77 (RVV-AE) có tầm bắn 80km hoặc 175km (phiên bản R-77M1).

Đối với F-16AM, trong những trường hợp hiếm hoi tránh được tên lửa R-37M bằng cách cơ động, sử dụng hệ thống tác chiến điện tử và mồi bẫy nhiệt, sau đó tiếp cận ở khoảng cách khoảng 100km, phi công Ukraine có thể sử dụng tên lửa AIM-120 bắn vào máy bay chiến đấu đối phương.

Nếu được "mắt thần" trên máy bay cảnh báo sớm Saab 340 AEW&C do Thụy Điển viện trợ, "Chim ưng chiến" có thể cải thiện hơn nữa hiệu suất chiến đấu trong việc né tránh hoặc chọn hướng tiếp cận có lợi khi đối mặt với tiêm kích Nga.

Trong các trận không chiến ở khoảng cách trung bình (50-70km), ưu điểm của máy bay chiến đấu Nga có thể là khả năng chống nhiễu cao hơn của radar, trạm quang - điện tử vượt trội và các hệ thống phòng thủ khác trên máy bay.

Điều đáng chú ý là về mặt kỹ thuật, radar Irbis-E của Su-35 và Su-30SM có khả năng phát hiện AMRAAM đang tiếp cận và đánh chặn chúng bằng tên lửa R-77 mang theo. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem tính năng này thể hiện như thế nào.

Các trận cận chiến cổ điển (không chiến), mặc dù xác suất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này, lợi thế sẽ không nghiêng về đặc tính kỹ - chiến thuật của một chiếc máy cụ thể mà nghiêng về kinh nghiệm chiến đấu của phi công.