1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao người Triều Tiên ồ ạt tràn sang Thái Lan giữa lúc căng thẳng?

(Dân trí) - Số lượng công dân Triều Tiên nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan tăng vọt trong những tháng gần đây trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên quan tới chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các binh sĩ Triều Tiên tuần tra dọc biên giới Triều Tiên - Trung Quốc (Ảnh: Korea Times)
Các binh sĩ Triều Tiên tuần tra dọc biên giới Triều Tiên - Trung Quốc (Ảnh: Korea Times)

Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan cho biết số lượng người Triều Tiên di chuyển bất hợp pháp vào lãnh thổ Thái Lan tăng mạnh trong những tháng gần đây. Hiện tượng này diễn ra khi tình hình căng thẳng đang ngày càng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên liên quan tới chương trình vũ khí gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Thái Lan vốn là điểm trung chuyển phổ biến đối với những người Triều Tiên muốn bỏ trốn khỏi đất nước. Mỗi năm có hàng trăm công dân Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc trước khi tới Thái Lan bằng đường bộ. Sau đó, từ Thái Lan, những người này sẽ được đưa tới Hàn Quốc.

Theo số liệu của cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan, có 535 người Triều Tiên tới Thái Lan trong năm 2016. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, số công dân Triều Tiên tới Thái Lan đã lên tới 385 trường hợp và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên qua từng tuần.

“Hiện nay, trung bình có từ 20-30 người Triều Tiên tới khu vực phía bắc của Thái Lan mỗi tuần”, một quan chức xuất nhập cảnh của Thái Lan nói với Reuters.

Số lượng người Triều Tiên đào tẩu ra nước ngoài tiếp tục tăng lên, bất chấp việc chính quyền Bình Nhưỡng siết chặt việc kiểm soát khu vực biên giới với Trung Quốc. Sự gia tăng này xảy ra giữa lúc tình hình bán đảo Triều Tiên đang ngày càng nóng lên sau một loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, trong khi Mỹ cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc mất kiên nhẫn với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong khi Thái Lan cung cấp dữ liệu về số lượng người Triều Tiên đào tẩu tăng vọt, Tổ chức Liên minh công dân vì nhân quyền Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, cho biết số lượng người Triều Tiên vượt biên sang Hàn Quốc không tăng tính từ đầu năm đến nay.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết có 593 người Triều Tiên vượt biên thẳng sang Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017, trong khi con số này trong năm 2016 và 2015 lần lượt 1.418 và 1.275. Điều này cho thấy ngày càng nhiều công dân Triều Tiên lựa chọn Thái Lan như một điểm quá cảnh trước khi muốn đào tẩu sang Hàn Quốc, thay vì trốn thẳng sang quốc gia láng giềng như trước đây.

Điểm trung chuyển Thái Lan

Khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc (Ảnh: AFP)
Khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Hầu hết người Triều Tiên vào Thái Lan từ khu vực cực bắc nước này, gần với Tam giác vàng giáp biên giới với Lào. Tuy nhiên, giới chức xuất nhập cảnh Thái Lan cho biết, những con đường di chuyển mới của người Triều Tiên cũng bắt đầu xuất hiện ở khu vực phía nam Thái Lan.

“Chúng tôi đã phát hiện nhiều người Triều Tiên vào Thái Lan thông qua các tỉnh đông bắc dọc sông Mekong trong vài năm gần đây”, Đại tá Chonlathai Rattanaruang, Chỉ huy đội tuần tra Hải quân sông Mekong, cho biết.

Về mặt chính thức, Thái Lan coi những người Triều Tiên vào nước này là những người nhập cư trái phép, chứ không phải người tị nạn. Thái Lan hiện vẫn chưa ký Công ước Geneva về người tị nạn năm 1951 và cũng chưa có luật về người tị nạn.

Trong khi đó, về mặt không chính thức, chính quyền Thái Lan và chính quyền Hàn Quốc thường tự dàn xếp với nhau về các trường hợp người Triều Tiên nhập cư vào Thái Lan.

“Người Triều Tiên vào Thái Lan để bị bắt giữ, nhờ đó họ mới có thể xin được tị nạn tới Hàn Quốc”, Roongroj Tannawut, quan chức thị trấn Chiang Khong nằm gần Tam giác vàng, cho biết.

Những người Triều Tiên khi tới Thái Lan theo diện bất hợp pháp sẽ bị chính quyền Thái Lan bắt giữ và khởi kiện. Những người này sau đó sẽ được chuyển tới một trung tâm tạm giam dành cho người nhập cư ở Bangkok trước khi bị trục xuất sang một nước khác, thường là Hàn Quốc.

“Kể từ khi hiến pháp Hàn Quốc công nhận tất cả người Triều Tiên là công dân của họ, Thái Lan dường như đã công nhận Hàn Quốc là một điểm đến hợp pháp để trục xuất các công dân Triều Tiên”, Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Cơ quan Giám sát Nhân quyền, nhận định.

Trong khi đó, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (UNHCR) hiếm khi giải quyết các vụ đào tẩu của người Triều Tiên tại Thái Lan vì đã có các thỏa thuận riêng giữa Thái Lan và Hàn Quốc.

“Những người đào tẩu khỏi Triều Tiên thường không tìm đến các nhân viên của UNHCR vì họ muốn tìm đến những cách khác để đảm bảo an toàn”, bà Vivian Tan, phát ngôn viên của UNHCR châu Á, cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp