1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Nga nghiên cứu vắc xin Covid-19 nhanh hơn phương Tây?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng hệ thống nghiên cứu do nhà nước tài trợ dường như đã góp phần giúp Nga phát triển vắc xin Covid-19 trước các quốc gia phương Tây.

Vì sao Nga nghiên cứu vắc xin Covid-19 nhanh hơn phương Tây? - 1

Việc Nga phê duyệt vắc xin Covid 19 đầu tiên trên thế giới nhận được nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa: Reuters)

Nga ngày 11/8 tuyên bố đã phê duyệt vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik V. Đây là động thái gây ngạc nhiên cho cộng đồng quốc tế, cũng như nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ giới khoa học vì quan ngại rằng Nga có thể “đốt cháy giai đoạn” để đẩy nhanh tiến độ điều chế vắc xin.

Trả lời Sputnik, nhà báo Bryan MacDonald, người chuyên nghiên cứu về Đông Âu và Nga cho rằng hệ thống nghiên cứu do nhà nước tài trợ tại Nga có thể là một yếu tố dẫn tới việc Moscow đẩy nhanh quá trình phát triển vắc xin.

“Ở phương Tây, hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học, dù là y tế hay quân sự, đều do khối tư nhân thực hiện. Tại Nga, hầu hết các công trình nghiên cứu đều do đơn vị nhà nước tiến hành”, ông MacDonald nói về sự khác biệt của hệ thống nghiên cứu của Nga và phương Tây.  

“Đây là một di sản của thời Liên Xô cũ. Mặc dù Nga có dân số và GDP thấp hơn Mỹ, họ vẫn đi trước Mỹ ở một số lĩnh vực như phòng thủ tên lửa, một số công nghệ liên quan tới vũ trụ vì chúng được nghiên cứu bởi khối nhà nước, chứ không phải khối tư nhân”, ông MacDonald lý giải.

“Trong trường hợp này, Nga nói rằng họ đã nghiên cứu vắc xin trong 20 năm qua. Ví dụ, khi dịch SARS bùng phát gần 20 năm trước, Nga đã bắt tay vào phát triển vắc xin như người Mỹ hay người Anh. Khi dịch này biến mất, tôi cho rằng các công ty tư nhân ở phương Tây sẽ dừng việc phát triển vắc xin, vì họ không có mục đích, cũng như không có động lực về mặt lợi nhuận khi không ai cần vắc xin nữa. Trong khi đó, Nga tiếp tục duy trì công việc nghiên cứu với SARS”, ông MacDonald nói thêm.

Theo nhà báo này, việc Nga phát triển nhanh chóng vắc xin Covid-19 có thể vì họ đã nghiên cứu SARS và các vi rút tương tự trong nhiều năm qua. Do vậy, khi Covid-19 xuất hiện, Nga có thể đã có những kiến thức từ trước với các chủng corona và điều này được cho là tiền đề khiến họ chế tạo vắc xin nhanh hơn.

Trong khi phương Tây tỏ ra nghi ngờ trước tính an toàn và hiệu quả của Sputnik V, Nga khẳng định sản phẩm do viện Gamaleya chế tạo đã được kiểm tra, thử nghiệm cẩn thận.

Vì sao Nga nghiên cứu vắc xin Covid-19 nhanh hơn phương Tây? - 2

Nga khẳng định vắc xin Sputnik V của họ là an toàn và hiệu quả (Ảnh minh họa: RDIF) 

Sputnik dẫn lời Gilbert Doctorow, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Brussels, Bỉ, cho rằng, những ý kiến chỉ trích Nga dường như không biết rõ về quốc gia này và cộng đồng khoa học, cũng như những thành tựu mà Nga đạt được suốt 10 năm qua trong lĩnh vực miễn dịch và chống bệnh truyền nhiễm.

Từ những năm 1980, viện Gamaleya đã phát triển một nền tảng công nghệ sử dụng vi rút adeno làm phương tiện phóng để đưa vật chất di truyền của một vi rút khác vào trong một tế bào. Phương pháp này đã được ứng dụng để làm vắc xin chống vi rút Ebola năm 2015 và đã được ứng dụng trên hàng nghìn người trong nhiều năm qua. Nó được cho đã làm tiền đề cho việc Nga phát triển vắc xin Covid-19 với cơ chế dùng vi rút adeno tương tự.

“Phần lớn công việc đã được hoàn thành từ những năm gần đây, cho phép các nhà phát triển không tốn thời gian vào những thử nghiệm tối ưu hóa, thay vào đó là chuyển sang điều chế vắc xin Covid-19 với các liều lượng đã được chọn lựa và họ thực hiện khá nhanh”, Pavel Volchkov, trưởng phòng thí nghiệm kỹ thuật gen tại Viện Vật lý và Công nghệ Moscow, nhận định.

Nga bắt đầu sản xuất những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên