Chuyên gia Nga phản bác hoài nghi về vắc xin ngừa Covid-19
(Dân trí) - Việc Nga trở thành nước đầu tiên có vắc xin ngừa Covid-19 thu hút sự chú ý của dư luận thế giới không chỉ bởi việc này hứa hẹn chấm dứt đại dịch mà còn mở ra con đường hồi phục nền kinh tế.
Sau nửa năm thế giới chiến đấu với đại dịch Covid-19, một tia hy vọng đã được thắp lên khi Nga tuyên bố đăng ký vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên thông tin này không được đón nhận tích cực trên truyền thông phương Tây, khi xuất hiện hoài nghi về sự an toàn cũng như hiệu quả của vắc xin do Nga điều chế.
Nhiều người cho rằng vắc xin “Sputnik V” ngừa Covid-19 của Nga thiếu dữ liệu y tế công khai về việc thử nghiệm trên người. Ngoài ra, vắc xin này cũng chỉ được thử nghiệm trên quy mô nhỏ, với khoảng 76 người, chưa tính các thành viên của Viện nghiên cứu Gamaleya - những người không chỉ tham gia nghiên cứu, mà còn tin tưởng vào sự hiệu quả và tình nguyện tiêm loại vắc xin này.
Ông Sergei Tsarenko, phó trưởng khoa gây mê và hồi sức tại bệnh viện thành phố Moscow 52 cho biết, các y bác sỹ hiện tìm mọi cách để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, nhưng họ chủ yếu tập trung vào các ca bệnh nặng. Trong trường hợp này, vắc xin ngừa Covid-19 là biện pháp an toàn và đáng tin cậy hơn để tránh các ca tử vong do dịch bệnh, và vắc xin ngừa Covid-19 do Viện nghiên cứu Gamaleya phát triển là phương án đáng tin cậy.
“Cho tới nay, kháng thể chỉ có thể hình thành ở những người đã từng mắc bệnh và đã phục hồi. Nhưng đã có một lựa chọn an toàn hơn - đó là chủng ngừa. Nga đã có một loại vắc xin an toàn và hiệu quả do các chuyên gia của Viện Gamaleya điều chế. Trong cộng đồng vi trùng học, viện Gamaleya được ví như thương hiệu “Mercedes” trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô”, ông Tsarenko nhận định.
Theo bác sĩ Tsarenko, vắc xin Spunik V về cơ bản gồm hai thành phần. Thành phần thứ nhất là adenovirus vô hại đóng vai trò như “bệ phóng” để chuyển thành phần thứ hai là một đoạn gen của virus corona mới gây dịch Covid-19, hay nói cách khác là đưa “trạm không gian” vào cơ thể người. Ông Tsarenko giải thích rằng bằng cách này, cơ thể con người sẽ tạo ra kháng thể, tuy nhiên chỉ trong ngắn hạn, do vậy cần có thêm mũi tiêm thứ hai.
“Để tạo ra kháng thể dài hạn hơn, “trạm không gian” tương tự phải được đưa vào cơ thể người bằng một “bệ phóng” khác sau lần tiêm thứ nhất ba tuần. Kết quả là cơ thể không tạo ra kháng thể mạnh đối với adenovirus, nhưng sẽ hình thành lá chắn phòng vệ hiệu quả để chống lại virus corona mới”, bác sĩ Nga giải thích thêm.
Phương pháp có tên gọi “vector virus” đã được Viện nghiên cứu Gamaleya phát triển từ lâu và đã được áp dụng để điều chế một số loại vắc xin như vắc xin chống Ebola và MERS.
Theo ông Tsarenko, câu hỏi thực sự bây giờ không phải là liệu vắc xin Sputnik V có an toàn và hiệu quả hay không, mà là tại sao vắc xin của Nga lại được “đón chào” bằng chiến dịch không mấy tích cực trên truyền thông.
Cũng theo bác sĩ Tsarenko, một câu hỏi khác được đặt ra là ai đứng sau “các chuyên gia độc lập” - những người hoài nghi về vắc xin ngừa Covid-19 của Nga. Liệu đó có phải là các nhà sản xuất vắc xin hay các công ty đang tham gia điều chế thuốc chống virus corona hay không.
Ông Tsarenko cho rằng những lùm xùm “phía sau hậu trường” đang trở thành rào cản đối với các bác sĩ tham gia trực tiếp vào việc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 và những người mong muốn một điều duy nhất rằng, đại dịch sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt.