1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Nga liên tục tập kích thành phố cảng chiến lược ở Nam Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, Nga dường như muốn gia tăng tối đa áp lực về mặt kinh tế lên Ukraine khi liên tục tập kích thành phố cảng Odessa trong những ngày qua.

Vì sao Nga liên tục tập kích thành phố cảng chiến lược ở Nam Ukraine? - 1

Bức ảnh do Lực lượng Vũ trang Ukraine công bố hôm 24/7 cho thấy kho chứa ngũ cốc tại một cảng biển ở vùng Odessa đã bị phá hủy (Ảnh: Reuters).

Ngày 27/7, Bộ trưởng Cộng đồng, Lãnh thổ và Phát triển Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết, trong 9 ngày Nga liên tục tấn công, 26 cơ sở hạ tầng cảng và 5 tàu dân sự của Ukraine đã bị hư hại và phá hủy một phần.

Hôm 17/7, Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sau khi cáo buộc Ukraine tấn công cầu Crimea. Phía Kiev chỉ trích việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và liên tục bắn tên lửa và UAV vào các cảng ở miền Nam Ukraine trong những ngày qua.

Theo Washington Post, việc Nga liên tục tấn công thành phố cảng chiến lược Odessa dường như làm gia tăng tối đa áp lực lên ngành nông nghiệp Ukraine - một trong những ngành quan trọng trong nền kinh tế của Kiev.

Theo các thống kê, ngành ngũ cốc Odessa thiệt hại hàng chục triệu USD sau các cuộc không kích gần như hàng đêm của Nga. Phía Ukraine nói rằng, 60.000 tấn ngũ cốc đã bị phá hủy.

Sau đó, các cuộc tập kích nhằm vào nhà kho ngũ cốc dọc sông Danube tiếp tục gây ra thách thức cho Ukraine. Con sông nằm trên tuyến đường thay thế quan trọng để xuất khẩu sau sự sụp đổ của thỏa thuận Biển Đen. Các cuộc tấn công vào cảng Danube dường như nhằm làm tê liệt nền nông nghiệp Ukraine, chiếm khoảng 20% nền kinh tế của quốc gia Đông Âu trước khi chiến sự bùng phát.

Samantha Power, quản lý của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, cáo buộc Nga đang thực hiện một chiến lược rõ ràng nhằm "biến lương thực thành vũ khí" và "gây áp lực tối đa lên nền kinh tế của Ukraine".

Kinh tế Ukraine đã đối mặt với nhiều khó khăn khi chiến sự bùng phát ở vùng Donbass - trung tâm công nghiệp nặng hàng đầu của Kiev. Giờ đây, ngành nông nghiệp thế mạnh của Ukraine đang đối mặt với thách thức lớn do hậu quả của chiến sự. Ví dụ, một phần diện tích của Ukraine đang bị ô nhiễm bom mìn nặng nề sau hơn một năm giao tranh, gây ra nguy hiểm với người nông dân canh tác.

Khó khăn chồng chất

Thỏa thuận Biển Đen được ký vào tháng 7 năm ngoái đã chấm dứt việc Nga phong tỏa các cảng chiến lược của Ukraine, vốn làm tê liệt nền kinh tế của phía Kiev. Một năm sau thỏa thuận, Ukraine đã xuất khẩu được 33 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm lương thực khác. Tuy nhiên, sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này, thách thức đang chờ đón Ukraine phía trước.

Vì sao Nga liên tục tập kích thành phố cảng chiến lược ở Nam Ukraine? - 2

Sông Danube đang trở thành tuyến đường xuất khẩu thay thế cho Biển Đen (Ảnh: BBC).

Việc Ukraine sử dụng sông Danube làm tuyến đường xuất khẩu thay thế Biển Đen được xem là tiềm năng. Vào tháng 3/2022, các tuyến vận tải trên sông Danube đã vận chuyển 55.000 tấn hàng nông sản. Sau nỗ lực mở rộng công suất đáng kể, con số trên đã tăng lên 2,2 triệu tấn vận chuyển trong tháng 5, mức tăng gần 4.000%.

Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng xuất khẩu ở một quốc gia dự kiến thu hoạch 44 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay - giảm gần một nửa so với mức 86 triệu vào năm 2021.

Andrii Dykun, Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine, cho biết Mỹ trong thời gian qua đã có những sự hỗ trợ quan trọng do nông dân Ukraine, ví dụ các khoản cho vay hỗ trợ những người gặp khó khăn trong chiến sự.

Tuy nhiên, một số nông dân Ukraine khác tỏ ra khá bi quan về việc liệu các chính phủ và tổ chức quốc tế có thể giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt khi Nga rút khỏi thỏa thuận Biển Đen và tập kích vào Odessa hay không.  

Nông dân Oleksandr Chumak thừa nhận: "Việc buôn bán ngũ cốc ra thế giới ngay bây giờ là không khả thi về mặt kinh tế". Ông cho biết, khi Nga bắt đầu hạn chế tàu thuyền đi lại qua Biển Đen, chi phí vận chuyển đã tăng lên.

Việc xuất khẩu nông sản qua sông Danube, theo ông Chumak, là quá đắt đỏ để nông dân này có thể có lãi.

Ngoài ra, các nông dân của Ukraine cũng phải đối mặt với những thách thức khác, ngoài từ Nga. Ba Lan và một số quốc gia châu Âu đang thúc đẩy EU kéo dài các lệnh hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Chính phủ các quốc gia này đang chịu áp lực từ nông dân trong nước bị giảm doanh thu vì ngũ cốc Ukraine tràn vào thị trường châu Âu trong thời gian qua.

"Đó là một thảm họa với chúng tôi, nhất là từ một quốc gia mà chúng tôi coi như anh em", Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine Andrii Dykun thừa nhận.  

Theo Washington Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm