Vì sao các ứng cử viên tổng thống Mỹ thích vợ lui trong hậu trường?
(Dân trí) - Các ứng cử viên tổng thống Mỹ quyết định để vợ lui trong hậu trường do lo ngại tính bốc đồng của các bà có thể dẫn đến những câu nói “điếng người”.
Tuần trước, bà Michelle Obama, vợ của Thượng nghị sĩ Barack Obama đã sẩy miệng nói hớ và tạo cơ hội để đảng Cộng hoà tận dụng đả kích. Ngày 18/2, trong cuộc mít tinh ở Milwaukee, bang Wisconsin, bà Michelle Obama tuyên bố: “Lần đầu tiên trong cuộc sống của người trưởng thành, tôi tự hào về đất nước của mình. Đó không chỉ là vì Barack thành công, mà bởi vì tôi nghĩ mọi người đang khát khao sự thay đổi”.
Ứng cử viên John McCain cũng từng bối rối trước tuyên bố hết sức ngây thơ của bà vợ Cindy rằng: “Tôi tự hào về đất nước này. Tôi không biết trước kia, điều đó có nghĩa gì với các bạn. Tôi tự hào về đất nước mình”. Sau đó, bà Cindy không nói thêm gì nữa, mặc báo chí và các chuyên gia bình luận này nọ.
Còn bà Michelle Obama hai ngày sau đó cố gắng lên tiếng thanh minh cho tuyên bố trên của bà nhưng càng cố thì mọi việc càng trở nên phức tạp. Phu nhân của ông Obama nói: “Điều tôi muốn nói là chính là số lượng người tham gia các lần diễn thuyết và xem các buổi tranh luận trên truyền hình cũng như kỷ lục về số cử tri trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy hàng ngàn cánh tay giơ cao ủng hộ, điều mà trước đây tôi chưa từng thấy và đó chính là nguồn tự hào mà tôi đã nói tới”.
Tờ New York Times đã miêu tả bà Michelle Obama, nữ luật gia tốt nghiệp đại học Harvard, là một phụ nữ bướng bỉnh, lạ lùng, dũng cảm, đôi khi thích châm chọc và hay nói thẳng hơn ông chồng. Cũng theo tờ báo này, sự tự tin và tính hài hước của Michelle Obama đôi khi được đặt không đúng chỗ.
| |
Bà Michelle Obama được ví là “Jackie Kennedy da màu”.
|
Trong bài xã luận trên tờ New York Times, nữ phóng viên Maureen Dowd chỉ trích Michelle Obama, người từng được ví là “Jackie Kennedy da màu” của nước Mỹ, đã làm xấu hình ảnh của chồng. Mỗi ngày, Michelle đọc bài diễn văn trước các nhóm cử tri khác nhau, theo lộ trình không trùng với tour mít tinh của chồng. Bà không chỉ đi đến các trường đại học lớn mà còn quan tâm đến đối tượng cử tri là các nhân viên cao cấp, cho nên mỗi phát ngôn của bà có tác động không nhỏ đến chiến dịch tranh cử của chồng.
Năm 2004, Teresa Heinz Kerry, vợ của ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry cũng nhiều lần sẩy miệng, đến nỗi nhóm vận động tranh cử của ông Kerry yêu cầu bà nên đứng ngoài cuộc tranh cử của chồng. Họ lo ngại các tuyên bố quá thắng thắn, cộng thêm tính cách khó dự đoán của một nữ tỷ phú được thừa kế tài sản từ người chồng đầu tiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của ông chồng thứ hai Kerry.
Bà Teresa Kerry đã nói với nhóm tình nguyện viên ở Brooklyn, những người tổ chức quyên góp cho các nạn nhân trong một trận bão xảy ra trong khu vực quần đảo Caribean rằng, họ đã gửi tới đây quá nhiều quần áo cứu trợ, trong khi lương thực và máy phát điện lại thiếu. “Gửi quần áo ư? Đó thật là một điều rất tuyệt nhưng hãy để họ (những nạn nhân thiên tai) ở trần trụi một thời gian, ít nhất là lũ trẻ con”. Bà Teresa còn “bạo mồm” tuyên bố với một tờ báo địa phương ở bang Pennsylvania rằng, chỉ có kẻ đần độn mới không ủng hộ kế hoạch bảo hiểm y tế của chồng bà.
Sau đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ USD Today, bà Kerry đã lên tiếng xin lỗi, nhưng lại tiếp tục mắc sai lầm khi cho rằng đệ nhất phu nhân Laura Bush chưa từng trải qua “một nghề gì đó thực sự” mà quên mất rằng bà Bush từng là thủ thư trong quá khứ.
Riêng các ứng cử viên đảng Cộng hoà thường có khuynh hướng chọn các bà vợ ít độc lập và vì thế ít nói hớ hơn. Bà Cindy McCain khẳng định không quan tâm đến chính trị để tránh những tuyên bố vụng về làm tổn hại đến chiến dịch tranh cử của chồng. Trong chiến dịch tranh cử năm 2004, ông George Bush không phải lo lắng nhiều về chuyện vợ ông có thể nói hớ vì bà vốn nổi tiếng là người khá kín đáo.
Theo so sánh của New York Times, bà Cindy McCain có vẻ ít kín đáo hơn so với bà Laura Bush trong chiến dịch tranh cử 2000. Vợ ông McCain đã chỉ trích chính sách của chính quyền của ông Bush tại Iraq, có thể chính vì lý do đó mà trong chiến dịch tranh cử lần này, bà ít xuất hiện hơn và tránh không đưa ra các quan điểm chính trị hay chỉ trích công khai các ứng cử viên khác. “Đối với tôi, đóng góp quan trọng nhất cho chiến dịch tranh cử của chồng chính là làm món ăn mà ông ấy thích”.
Riêng đối với Bill Clinton, chồng của ứng cử viên Hillary, nếu có không may nói hớ khi vận động tranh cử cho vợ, ông không thể đổ lỗi cho sự thiếu kinh nghiệm hay không có thiên hướng chính trị.
Ngọc Nhàn
Tổng hợp