1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Ấn Độ chần chừ khi Trung Quốc muốn giúp chống "bão" Covid-19?

Thành Đạt

(Dân trí) - Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ từ Trung Quốc trong việc đối phó với Covid-19 dù New Delhi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng.

Vì sao Ấn Độ chần chừ khi Trung Quốc muốn giúp chống bão Covid-19? - 1

Người thân khóc thương một bệnh nhân qua đời vì Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ (Ảnh: Reuters).

Trong tháng này, khi Ấn Độ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu vắc xin để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 tại quốc gia Nam Á, Washington dường như muốn trì hoãn, với lý do họ cần phải "tiêm phòng cho người dân Mỹ".

Câu trả lời này khiến nhiều người Ấn Độ thất vọng và tức giận, khi quốc gia này đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất thế giới: số ca nhiễm hàng ngày liên tục ghi nhận kỷ lục mới, bệnh viện và các khu hỏa táng quá tải và bệnh nhân tử vong hàng loạt do thiếu ôxy và thiết bị y tế.

Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận hơn 18,3 triệu ca nhiễm và hơn 204.000 ca tử vong vì Covid-19.

Bị phản ứng dữ dội ở quê nhà, cũng như vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Mỹ nhanh chóng "xoay chiều", hứa cung cấp viện trợ cho Ấn Độ.

Ngoài Ấn Độ, nước chỉ trích Mỹ mạnh nhất và gay gắt nhất là Trung Quốc. Trong tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng một loạt bài báo đả kích Washington, cho rằng phản ứng ban đầu của Mỹ đã "phơi bày hoàn toàn sự ích kỷ của nước này" và cáo buộc Washington "cản trở các nỗ lực toàn cầu" trong việc phân phối vắc xin cho các nước đang phát triển có nhu cầu.

Kể từ khi ngăn được dịch Covid-19 bùng phát trong nước, Trung Quốc đã tự coi mình là nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch và sẵn sàng giúp đỡ các nước khác. Điều này ngược lại với cách tiếp cận "Nước Mỹ là trên hết" của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát ở Ấn Độ, giới chức Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ mong muốn giúp đỡ, cam kết "hỗ trợ và giúp đỡ trong khả năng của Trung Quốc nếu phía Ấn Độ thông báo cho Trung Quốc về các nhu cầu cụ thể của họ".

Tuy nhiên, New Delhi cho đến nay vẫn chưa chấp nhận lời đề nghị này của Bắc Kinh. CNN nhận định đây có lẽ là dấu hiệu cho thấy sự ngờ vực sâu sắc giữa hai cường quốc châu Á.

Sự thận trọng này càng đáng chú ý hơn khi Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên gửi vật tư y tế đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc sau đợt bùng phát dịch đầu tiên vào cuối năm 2019.

Kể từ đó, quan hệ song phương xấu đi nhanh chóng, phần lớn do căng thẳng dọc biên giới chung trên dãy Himalaya. Vào tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc và Ấn Độ đã chứng kiến cuộc đụng độ biên giới đẫm máu nhất trong hơn 40 năm, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc sau đó cho biết 4 binh sĩ nước này đã chết trong cuộc ẩu đả.

Phản ứng của Trung Quốc khi Mỹ - Ấn xích lại gần nhau

Trong lúc căng thẳng với Bắc Kinh, New Delhi lại củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington. Mỹ vốn coi Ấn Độ là đối tác quan trọng trong việc đối phó với sự hiện diện và tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ tích cực tham gia vào Bộ Tứ, một liên minh không chính thức với Mỹ, Australia và Nhật Bản.

Sau khi chỉ trích Ấn Độ xích lại gần Mỹ, truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục đả kích việc Washington không hỗ trợ đồng minh New Delhi vào thời điểm cần thiết khi dịch bệnh bùng phát. Một bài báo của Trung Quốc thậm chí mô tả Mỹ như một đối tác không đáng tin cậy, đối xử với Ấn Độ như một "con tốt" và sẵn sàng "vắt chanh bỏ vỏ" khi không còn hữu dụng.

Mặc dù một số người Ấn Độ có thể đồng tình với nhận định trên, song nhiều người vẫn tin rằng Trung Quốc cũng có lợi ích nhất định và Bắc Kinh đang cố gắng lợi dụng cuộc khủng hoảng này để chia rẽ mối quan hệ giữa New Delhi và Washington.

Dưới áp lực trong nước và quốc tế, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 25/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết rằng "Mỹ hoàn toàn ủng hộ việc cung cấp nguồn lực và hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ trong cuộc chiến chống Covid-19".

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn chưa phản hồi đề xuất của Bắc Kinh.

Mặc dù đại dịch đang "tàn phá" Ấn Độ, song chính phủ nước này cho đến nay vẫn chưa nhận bất kỳ sự hỗ trợ trực tiếp nào từ Trung Quốc. Tuy vậy, hàng viện trợ từ các nước khác vẫn được chuyển đến New Delhi trong tuần này và dự kiến sẽ tiếp tục được đưa tới.

"Nguồn cung nguyên liệu thô dùng cho sản xuất vắc xin từ Mỹ và châu Âu đang bị hạn chế, vì vậy, Ấn Độ cần sự hỗ trợ của các nước khác để đối phó đại dịch. Đây là cơ hội để hai nước (Ấn Độ và Trung Quốc) hàn gắn mối quan hệ", Niu Haibin, phó giám đốc Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Thượng Hải, nhận định.

Trung Quốc ngày 27/4 cho biết sẽ thành lập "kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp" chống Covid-19 cho các nước Nam Á, bao gồm Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Ấn Độ cũng được mời dự cuộc họp trực tuyến, nhưng nước này không tham gia.

"Hy vọng rằng cuộc gặp của chúng ta ngày hôm nay cũng có thể hỗ trợ Ấn Độ trong cuộc chiến chống lại đại dịch", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói tại cuộc họp.