1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vén màn bí mật thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ - Australia

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong các cuộc gặp với những người đồng cấp Pháp gần đây, giới chức Mỹ tuyệt nhiên không đề cập tới kế hoạch ký liên minh an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương với Anh và Australia, theo New York Times.

Vén màn bí mật thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ - Australia - 1

Tổng thống Joe Biden gặp gỡ người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh hồi tháng 6 (Ảnh: Getty)

Pháp đã phản ứng giận dữ sau khi Mỹ và Australia công bố thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân hôm 16/9, khiến Paris mất đi hợp đồng quốc phòng lớn nhất lịch sử. Tổng thống Emmanuel Macron nổi giận đến mức đã triệu hồi đại sứ của Pháp ở cả hai quốc gia này về nước để tham vấn hôm 17/9.

Theo New York Times (NYT), quyết định của ông Macron đánh một sự leo thang khủng hoảng ngoại giao đầy bất ngờ giữa các đồng minh thân cận.

NYT dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, Paris nổi giận một phần vì nước này phát hiện hai đồng minh thân cận nhất của mình đã đàm phán bí mật trong nhiều tháng mà họ không hay biết. Theo nguồn tin, Australia đã tiếp cận chính quyền mới ngay sau khi Tổng thống Biden nhậm chức và nói muốn rút thỏa thuận quốc phòng trị giá 60 tỷ USD với Pháp để mua tàu ngầm tấn công của Mỹ.

Australia lo ngại những chiếc tàu ngầm chạy bằng điện thông thường của Pháp sẽ lỗi thời vào thời điểm chúng được biên chế hoạt động, có thể là vào năm 2036. Canberra mong muốn tìm kiếm một hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân, chạy êm hơn như các thiết kế của Mỹ và Anh, để có thể khó bị phát hiện hơn khi tuần tra dưới biển.
Tuy nhiên, không rõ Australia sẽ chấm dứt thỏa thuận với Pháp, bằng cách nào họ. "Họ nói với chúng tôi rằng, vấn đề này tự họ sẽ có cách giải quyết với phía Pháp", một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ.

Tuy nhiên, theo NYT, thực ra Australia chưa nói rõ với phía Pháp về việc chuẩn bị hủy bỏ thỏa thuận mà hai bên đã mất nhiều năm để đàm phán.

Một quan chức giấu tên cho hay, trong cuộc gặp với những người đồng cấp Pháp, các giới chức Mỹ, gồm Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken, cũng không thông báo trước về kế hoạch ký thỏa thuận AUKUS.

Thỏa thuận được đàm phán từ lâu?

Các quan chức giấu tên cho biết, vào thời điểm chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu bàn bạc với Australia và Anh một cách nghiêm túc về chiến lược mới đối phó Trung Quốc, hợp đồng quốc phòng giữa Australia và Pháp đã bắt đầu lung lay. Australia đã nhắm đến loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như Mỹ và Anh.

NYT dẫn nguồn tin thân cận cho biết, dù đã bàn bạc từ lâu nhưng các quan chức Mỹ và Australia quyết định giữ bí mật vì nếu Pháp biết được sẽ mất một trong những hợp đồng quốc phòng lớn nhất trong lịch sử, Paris sẽ gần như chắc chắn sẽ không ngồi yên, theo các quan chức giấu tên.

Vì vậy, Washington đã quyết định không nói gì với Pháp, ngay cả khi ông Biden và ông Blinken gặp những người đồng cấp Pháp vào tháng 6.

Gần đây nhất là vào ngày 30/8, khi các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Pháp và Australia tổ chức "tham vấn" hàng năm, hai bên đưa ra một thông cáo về cam kết hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và "nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình Tàu ngầm trong tương lai". Vào thời điểm đó, phía Australia đã rõ chương trình tàu ngầm này đã "chết yểu" vì họ gần như đã đồng ý thỏa thuận trên nguyên tắc với Washington và London.

Pháp dường như không biết gì về các kế hoạch đó. Trong các cuộc phỏng vấn, đại sứ Pháp tại Mỹ Philippe Étienne cho biết lần đầu tiên ông nghe nói về thỏa thuận AUKUS từ tin rò rỉ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Các quan chức Pháp khác cho biết đã nghi ngờ "có chuyện gì đó" cách đây một tuần, nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức từ phía Mỹ. Quan chức Mỹ đầu tiên thảo luận các chi tiết với Đại sứ Étienne về vấn đề này là cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, vài giờ trước khi thỏa thuận Aukus được công bố.