1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp nổi giận triệu hồi đại sứ sau khi tố Mỹ, Australia "đâm sau lưng"

Minh Phương

(Dân trí) - Pháp đã lập tức triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn sau khi bị tuột mất thương vụ hàng chục tỷ USD vì thỏa thuận an ninh quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Australia.

Pháp nổi giận triệu hồi đại sứ sau khi tố Mỹ, Australia đâm sau lưng - 1

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (Ảnh: AFP).

"Theo đề nghị của Tổng thống (Emmanuel Macron), tôi quyết định lập tức triệu hồi hai đại sứ của chúng tôi tại Mỹ và Australia trở về Paris để tham vấn. Quyết định bất thường này cho thấy mức độ nghiêm trọng đặc biệt của các thông báo ngày 15/9 của Australia và Mỹ", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 17/9 cho biết.

Hôm 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố một thỏa thuận hợp tác an ninh - quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay còn gọi là thỏa thuận AUKUS.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp nói: "Việc từ bỏ dự án tàu ngầm lớp đại dương mà Australia và Pháp đã thực hiện từ năm 2016 và việc công bố quan hệ đối tác mới với Mỹ nhằm nghiên cứu khả năng hợp tác trong tương lai về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là hành động không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và các đối tác, nó ảnh hưởng đến khái niệm mà chúng ta có về liên minh, quan hệ đối tác của chúng ta và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với châu Âu".

Đây được cho là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Pháp có động thái gay gắt kiểu này. Đầu tuần này, chính phủ Pháp nói rằng, họ cảm thấy "bị phản bội" khi Australia hủy thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm truyền thống ước tính 65 tỷ USD với Pháp, thay vào đó đạt thỏa thuận mới với Mỹ và Anh về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Việc tuột mất thỏa thuận này có thể tác động mạnh đến ngành sản xuất quốc phòng của Pháp, ngoài ra nó có thể khiến Pháp thua thiệt về mặt chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà họ có những lợi ích quan trọng.

AUKUS tạo tiền đề chuyển giao hàng loạt công nghệ tiên tiến và năng lực quốc phòng cho Australia - một quốc gia có vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Thỏa thuận bao gồm chia sẻ thông tin, công nghệ trong nhiều lĩnh vực gồm tình báo, công nghệ lượng tử, tên lửa dẫn đường. Tuy nhiên, nội dung gây chú ý nhất là Mỹ và Anh sẽ chuyển giao công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Hiện nay, mới chỉ có 6 quốc gia trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

AUKUS được đánh giá là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, song đã khiến Pháp "phật lòng".

Giới chức Pháp được cho là không được báo trước về quyết định hủy thỏa thuận đóng tàu ngầm của Australia. Tuy nhiên, giới chức Australia khẳng định, họ đã nói rõ với Paris rằng thỏa thuận có thể bị hủy.

Ngay sau lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận AUKUS, Ngoại trưởng Pháp Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly đã ra tuyên bố đầy giận dữ. Ngoại trưởng Le Drian thậm chí gọi đó là "cú đâm sau lưng" của các đồng minh. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại châu Âu của Pháp, ông Clement Beaune, hôm qua cũng tuyên bố, Paris không thể tin tưởng Canberra trong các đàm phán hiệp định thương mại EU đang diễn ra.

Hiện chưa rõ bước đi tiếp theo của Pháp, nhưng một số nguồn tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Macron có thể sẽ yêu cầu bồi thường hợp đồng. Ở một kịch bản nghiêm trọng hơn, hãng tin RT dẫn lời của giới chuyên gia nhận định, Pháp có thể cân nhắc rút khỏi NATO. Gần đây, ông Macron tỏ ra hoài nghi vai trò của NATO, cho rằng liên minh quân sự này đã "chết não".

Mỹ và Anh đã tìm cách xoa dịu Pháp. Tổng thống Joe Biden khẳng định, Pháp vẫn là "đối tác và đồng minh quan trọng" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne nói, Canberra hiểu được sự thất vọng của Paris, và hy vọng tiếp tục hợp tác với Pháp.