1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vai trò kín tiếng của Pakistan trong chiến thắng của Taliban

Thanh Thành

(Dân trí) - Pakistan trên danh nghĩa là đối tác của Mỹ trong cuộc chiến, nhưng cũng là bên hậu thuẫn quan trọng đối với nhóm vũ trang Taliban tại Afghanistan.

Vai trò kín tiếng của Pakistan trong chiến thắng của Taliban - 1

Chốt an ninh tại biên giới Pakistan - Afghanistan ở Chaman, Pakistan hôm 24/8 (Ảnh: Getty).

Chỉ vài ngày sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul tại Afghanistan, lá cờ của tổ chức này đã tung bay trên nóc một nhà thờ Hồi giáo trung tâm ở thủ đô của Pakistan. 

Nhìn bề ngoài, Pakistan là đối tác của Mỹ trong cuộc chiến chống Al-Qaeda và Taliban. Quân đội Pakistan đã nhận hàng chục tỷ USD viện trợ của Mỹ trong 20 năm qua, ngay cả khi Washington thừa nhận hầu hết số tiền này bị thất thoát nghiêm trọng do tham nhũng. Nhưng thực ra mối quan hệ hai bên đã rạn nứt nghiêm trọng ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9.

Taliban tại Afghanistan được xem là một phần của tổ chức tình báo của Pakistan (ISI), cơ quan có nhiệm vụ phát triển nhân lực và bảo vệ tài sản của Taliban ở Pakistan trong suốt cuộc chiến.

Cựu giám đốc CIA tại Pakistan Robert L. Grenier cho biết: "Pakistan và ISI nghĩ rằng họ đã thắng ở Afghanistan. Tuy nhiên, ông cảnh báo, Pakistan cần xem lại họ muốn gì. Nếu Taliban ở Afghanistan lên nắm quyền và được quốc tế công nhận, rất có thể, Pakistan sẽ thấy bị ràng buộc với họ".

Vị thế và sức ảnh hưởng của Pakistan với phương Tây có thể sẽ giảm mạnh khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan. Những lời kêu gọi trừng phạt Pakistan đã lan truyền trên mạng xã hội. Pakistan cũng có nguy cơ bị vướng vào các hoạt động buôn bán ma túy có thể sẽ phát triển mạnh ở Afghanistan.

Điều quan trọng là, mối quan hệ với Mỹ, vốn đã có chiều đi xuống, sẽ càng thê thảm hơn. Ngoài việc duy trì sự ổn định của kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, Mỹ hiện không có nhiều động cơ để hợp tác với Pakistan.

Pakistan sẽ làm gì với Afghanistan thời Taliban?

Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho người Pakistan là họ sẽ làm gì với một đất nước chia rẽ - Afghanistan?

Theo New York Times, Pakistan, cùng với Nga và Trung Quốc, sẽ giúp lấp đầy khoảng trống mà người Mỹ đã bỏ trống. Bất chấp việc Mỹ và các nước phương Tây ồ ạt sơ tán nhân viên ngoại giao, Đại sứ quán của 3 quốc gia này vẫn mở cửa kể từ khi Taliban chiếm Kabul.

Thủ lĩnh hàng đầu của Taliban Khalil Haqqani - nhân vật được Pakistan bảo trợ, thường xuyên đến căn cứ quân sự của Pakistan ở Rawalpindi - là một trong những lãnh đạo mới của Afghanistan. Ông Haqqani đã xuất hiện ở Kabul vào tuần trước với tư cách là giám đốc an ninh mới với một đội bảo vệ an ninh trong quân phục chiến đấu của Mỹ.

Cựu Giám đốc CIA khu vực Nam và Tây Nam Á Douglas London cho biết, mối quan hệ giữa Pakistan và ông Haqqani là rõ ràng và không thể thiếu đối với chiến thắng của Taliban. Người đứng đầu quân đội Pakistan, Qamar Javed Bajwa, và người đứng đầu ISI, Hameed Faiz, gặp ông Haqqani trên cơ sở "định kỳ", theo ông London.

Pakistan cũng đảm bảo nơi trú ẩn an toàn cho Taliban ở vùng biên giới, đặc biệt là ở thành phố Quetta, cung cấp các dịch vụ y tế điều trị cho các chiến binh bị thương, đôi khi là ở các bệnh viện tại các thành phố lớn như Karachi và Peshawar. Taliban cũng được Pakistan mở đường để điều hành các dự án bất động sản béo bở, buôn lậu và các hoạt động kinh doanh khác để có thể duy trì cỗ máy chiến tranh của họ.

ISI còn giúp Taliban từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar đã được cấp hộ chiếu Pakistan để tham dự các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha, Qatar, và cuộc gặp gỡ với phía Trung Quốc tại Thiên Tân.

Mối quan hệ của Washington với Pakistan nguội lạnh sau khi biệt kích Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden vào năm 2011 tại một ngôi nhà an toàn nằm gần học viện quân sự Pakistan. Sau đó, các quan chức hàng đầu của Mỹ đã dừng các chuyến thăm Pakistan và cắt giảm viện trợ.

Nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó chưa bao giờ nói công khai những gì họ nghi ngờ: quân đội Pakistan biết Osama bin Laden đang sống cùng đại gia đình ở Abbottabad, nhưng cố giấu diếm.