1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ủy ban quốc tế chỉ ra sai lầm của WHO và các nước về chống Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Thế giới lẽ ra có thể tránh được đại dịch Covid-19 chết chóc nếu hành động nhanh hơn, một ủy ban độc lập do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark đứng đầu nhận định.

Ủy ban quốc tế chỉ ra sai lầm của WHO và các nước về chống Covid-19 - 1
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu (Ảnh minh họa: Reuters).

Ủy ban Quốc tế về Chuẩn bị và Ứng phó Đại dịch, một hội đồng gồm các chuyên gia độc lập do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu, hôm nay 12/5 đã công bố báo cáo đánh giá về cách ứng phó đại dịch Covid-19 của WHO và các nước.

Báo cáo nói rằng, sự chuẩn bị của các nước còn thiếu nhất quán, chưa có sự đầu tư đúng mức, hệ thống cảnh báo quá chậm trễ và sơ sài, trong khi đó, WHO không phát huy hết năng lực".

Hồi tháng 2 năm ngoái, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark nói rằng, thế giới đã bỏ lỡ vài tháng cơ hội để ngăn chặn đại dịch khi nhiều nước lựa chọn phương án nghe ngóng tình hình.

"Một số nước thậm chí chỉ hành động khi các khoa hồi sức cấp cứu không còn giường trống. Khi đó đã quá muộn để ngăn chặn những tác động của đại dịch. Sau đó là tình trạng chạy đua để giành nguồn cung đồ bảo hộ và phương pháp trị liệu. Cuối cùng, đội ngũ y tế toàn cầu đều quá tải, số ca nhiễm và số người tử vong tăng và tiếp tục tăng mạnh", báo cáo nêu.

Cựu Tổng thống Liberia Johnson Sirleaf cho rằng, điều này một phần là do thế giới không rút kinh nghiệm từ các đại dịch trước kia. "Chúng ta lẽ ra đã có thể ngăn được đại dịch. Điều chúng ta đang phải đối mặt là hậu quả của hàng loạt sai lầm, lỗ hổng và ứng phó chậm trễ", ông Sirleaf nói.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc tế về Chuẩn bị và Ứng phó Đại dịch, WHO lẽ ra nên tuyên bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu sớm hơn thay vì chờ đến ngày 30/1/2020. Trong khi đó, chính phủ các nước chưa lưu tâm đúng mức đến cảnh báo của WHO khi ban bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Nhiều nước không có các biện pháp ứng phó mạnh cho đến khi WHO chính thức gọi Covid-19 là đại dịch vào ngày 11/3/2020.

Ủy ban trên cũng đưa ra một số khuyến nghị, trong đó kêu gọi lập một hệ thống toàn cầu mới giám sát các dịch bệnh bùng phát có thể trở thành đại dịch. Ngoài ra, WHO nên cử chuyên gia điều tra đại dịch, thu thập các mẫu mầm bệnh, công bố thông tin mà không cần xin phép chính phủ sở tại.

WHO và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên nhóm họp với lãnh đạo các nước và các hãng dược để đạt được một thỏa thuận về chuyển giao công nghệ tự nguyện nhằm thúc đẩy sản xuất vắc xin. Nếu không thể đạt được thỏa thuận trong vòng 3 tháng, các nước nên xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất vắc xin.

Ngoài ra, một cơ chế tài trợ quốc tế nên được thiết lập để huy động khoảng 5-10 tỷ USD mỗi năm nhằm chuẩn bị cho đại dịch. Ủy ban này cũng cho rằng, các nước thu nhập cao nên cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vắc xin cho 92 vùng lãnh thổ nghèo nhất trong chương trình Covax trước ngày 1/9 và hơn 2 tỷ liều trước giữa năm 2022.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm