1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine tuyên bố không xóa mục tiêu gia nhập NATO khỏi Hiến pháp

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk tuyên bố rằng nước này không có kế hoạch xóa mục tiêu gia nhập NATO khỏi Hiến pháp, trong bối cảnh đàm phán giữa Kiev với Nga chưa có nhiều tiến triển.

Ukraine tuyên bố không xóa mục tiêu gia nhập NATO khỏi Hiến pháp - 1

Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk (Ảnh: Reuters).

Trả lời báo Ukrainska Pravda hôm 25/4, ông Ruslan Stefanchuk tuyên bố rằng, Ukraine không có kế hoạch xóa bỏ mong muốn gia nhập NATO khỏi Hiến pháp nước này.

"Chúng tôi sẽ không làm như vậy. Thay đổi Hiến pháp sẽ không và không bao giờ là mục tiêu", Chủ tịch Quốc hội Ukraine tuyên bố.

Phát biểu của ông Stefanchuk diễn ra trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 3 và các cuộc đàm phán giữa 2 bên vẫn chưa thể tháo gỡ được căng thẳng do bất đồng trong nhiều vấn đề, trong đó có "tình trạng trung lập" trong tương lai của Ukraine.

Theo các chuyên gia, khái niệm trung lập mà Nga và Ukraine đang theo đuổi là không khớp nhau. Nga đặt ra yêu cầu Ukraine phải trung lập, không sở hữu vũ khí hạt nhân, không tham gia các liên minh quân sự và không để nước ngoài đặt căn cứ và không xin gia nhập NATO. Nga đề xuất Ukraine theo đuổi mô hình như giống của Áo và Thụy Điển, nghĩa là một quốc gia trung lập phi quân sự nhưng vẫn có hải quân, lục quân riêng và quy mô quân đội cũng sẽ được thảo luận.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ ý tưởng trên, thay vào đó đề xuất một mô hình riêng. Cụ thể, Kiev đồng ý trở thành quốc gia trung lập nếu có được các cam kết an ninh từ bên thứ 3 bao gồm những nước sẵn sàng đứng ra bảo vệ Ukraine trước nguy cơ bị tấn công quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, bên cam kết bảo đảm an ninh phải là những quốc gia có tầm ảnh hưởng thực sự bằng các chính sách trừng phạt và những quốc gia sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ nhanh nhất có thể khi Ukraine đối mặt với các mối đe dọa - điều khoản được xem là mạnh ngang với Điều 5 về phòng thủ tập thể trong Hiến chương NATO. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, các quốc gia phương Tây dường như e dè với đề nghị này, vì lo ngại rủi ro có thể đối đầu trực tiếp với Nga.

"Giấc mơ" NATO của Ukraine bắt đầu từ năm 2008 khi khối liên minh quân sự hứa hẹn về khả năng kết nạp Kiev trong tương lai. Sau sự kiện cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và sự việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Kiev vẫn giữ nguyên mong muốn trở thành thành viên NATO.

Vào năm 2019, Ukraine đã đưa quyết tâm gia nhập các tổ chức phương Tây như EU và NATO vào Hiến pháp.

Tuy nhiên, các diễn biến trong thời gian qua cho thấy, việc gia nhập NATO với Ukraine dường như đang khá khó khăn. Chính Ukraine nhiều lần thừa nhận rằng NATO không muốn kết nạp họ vào trong khối. Kiev cũng từng phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẽ dừng mong muốn gia nhập NATO như một nhượng bộ cho việc đàm phán hòa bình với Nga.

Hồi đầu tháng, Tổng thống Zelensky cho rằng, NATO đã phạm sai lầm lớn khi không kết nạp Ukraine, vì Kiev có thể sẽ khiến cho liên minh này "mạnh hơn rất nhiều".

"Nếu chúng tôi gia nhập khối, chúng tôi sẽ khiến NATO mạnh hơn rất nhiều. Chúng tôi không phải là một quốc gia yếu đuối. Chúng tôi là sự bổ sung, chúng tôi là đầu tàu", ông Zelensky tuyên bố.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine