1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine trước ngã ba đường: Kết thúc giao tranh hoặc thất bại quân sự

Thanh Thành

(Dân trí) - Ukraine đang đứng trước cánh cửa rất hẹp để xoay chuyển động lực của cuộc xung đột theo hướng có lợi cho mình và dù thế nào thì các lực lượng Nga vẫn đang nắm giữ phần lớn quân bài chiến lược.

Ukraine trước ngã ba đường: Kết thúc giao tranh hoặc thất bại quân sự - 1

Quân đội Nga ở Ukraine (Ảnh; Reuters).

Trong một bài viết mới nhất đăng trên National Interest, tác giả Daniel Davis nói rằng, ngay từ khi chiến sự nổ ra, ông đã có những bài viết cảnh báo về việc "không có con đường nào, dù có nguồn lực tốt đến đâu, để Ukraine có thể gây ra một thất bại quân sự hoàn toàn đối với Nga trong tương lai gần".

Bởi theo ông, Nga quá lớn, có nguồn lực và quân số vượt trội để Ukraine có thể đánh bại. Và ông nói thêm rằng, trớ trêu là "Kiev hầu như không làm theo những gì tôi cảnh báo trong khi Moscow đã áp dụng thành công một số yếu tố chính của con đường mà chính tôi đã vạch ra".

Theo chuyên gia, Nga là một "ông lớn" có nhiều điểm mạnh: nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, một số đồng minh chủ chốt có thể cung cấp vật liệu chiến tranh, một nên công nghiệp quân sự lớn và đang mở rộng, cùng với đó là số lượng nam giới trong độ tuổi tòng quân nhiều hơn gấp 3 lần so với Ukraine.

Theo ông, trọng tâm của Moscow dựa trên hai trụ cột: năng lực quân sự (về nhân lực, vũ khí, đạn dược cũng như công nghiệp) và sự ủng hộ chính trị của người dân. Nếu không có cả hai, họ không thể chiến đấu hoặc giành chiến thắng trong một cuộc chiến.

Vì vậy, để có thể giành được bất kỳ lợi thế chiến lược nào trước Nga, Ukraine sẽ phải làm mất cân bằng trọng tâm của đối thủ, đủ để buộc Moscow phải chấp nhận một kết quả không như mong muốn. Nhưng điều đó sẽ vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Nga là giảm mối đe dọa thông thường ở biên giới phía Tây xuống mức "có thể quản lý được".

Hiện tại, Moscow đang nắm quyền điều khiển và có thể đạt được các mục tiêu chính trị bằng các nguồn lực quân sự và tài chính của mình. Vì vậy, Kiev phải thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, để xác định liệu đó có phải là bài toán khó nhằn hay không thì cần phải xem xét năng lực của Ukraine và những nước phương Tây ủng hộ họ.

Tổng thống Volodymyr Zelensky phải đồng thời duy trì năng lực tiến hành chiến tranh theo thời gian, sự ủng hộ chính trị trong nước và hỗ trợ kinh tế, ngoại giao và quân sự quốc tế. Nếu thiếu bất kỳ điều nào trong số này (đặc biệt là thành phần thứ 3), Ukraine không thể giành chiến thắng.

Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào trên khắp đất nước và năng lực công nghiệp cực mạnh để tự duy trì gần như vô thời hạn trong thời chiến.

Nếu so sánh về nguồn lực và sự ủng hộ của người dân, tác giả Davis cho rằng: "Ukraine có những hạn chế nghiêm trọng về nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên và chỉ bằng một phần nhỏ năng lực sản xuất nội địa của Nga. Nếu không có sự hỗ trợ ngoại giao và vật chất to lớn, bền vững từ phần còn lại của thế giới, Kiev không thể tiến hành một cuộc chiến tiêu hao lâu dài. Ngay cả có được sự hỗ trợ từ bên ngoài đó, Kiev cũng có thể không thể giành chiến thắng vì điểm yếu nhất là nhân lực".

Nhân lực quân sự không chỉ đơn giản là một quốc gia có thể có bao nhiêu người mặc quân phục mà còn có nghĩa là có bao nhiêu chuyên gia được đào tạo có thể huy động vào các đơn vị chiến đấu có tổ chức và hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế thì Ukraine cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng các tân binh và những người tham gia quân ngũ đều không được đào tạo bài bản.

Trong một nghiên cứu gần đây của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, chuyên gia Alex Vershinin nêu bật một điều mà ít người hiểu được: "Ý tưởng rằng một dân thường có thể được tham gia các khóa đào tạo kéo dài 3 tháng, mang quân hàm trung sĩ và được kỳ vọng có thể tham chiến giống như một người lính có kinh nghiệm 7 năm thực sự là một công thức dẫn đến thảm họa".

Theo ông Vershinin, chỉ có thời gian mới có thể tạo ra những con người có khả năng thực thi học thuyết quân sự của NATO, và thời gian là thứ mà một cuộc chiến tiêu hao không thể có được.

Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho Tổng thống Zelensky giảm sút nhanh chóng cả ở trong nước và ngoài nước. Viện trợ quốc tế, dù được đổ nhiều vào Ukraine gần đây, đang hết dần trước chiến lược tiêu hao của Nga.

"Cánh cửa cơ hội để Kiev lật ngược tình thế đang nhanh chóng đóng lại. Những hành động táo bạo, quyết đoán là cần thiết - và nhanh chóng - nếu Ukraine có cơ hội đạt được thành công", tác giả Davis nhận định.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác định "thành công" nào có thể đạt được vào thời điểm này. Như đã cảnh báo ngay từ đầu, một chiến thắng quân sự hoàn toàn dành cho Kiev hiện là "gần như bằng không". Bởi theo ông, Nga có quá nhiều nguồn lực (đó là chưa kể con át chủ bài hạt nhân) mà Ukraine hầu như không thể vượt qua được trong hoàn cảnh hiện tại.

Hồi tháng 6, ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin đưa ra những yêu cầu tối thiểu để chấm dứt chiến tranh như: Ukraine phải giao quyền kiểm soát hoàn toàn 4 tỉnh đã sáp nhập với Nga năm 2022, rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi các vùng lãnh thổ đó và áp dụng "tình trạng trung lập, không liên kết, phi hạt nhân".

Tổng thống Zelensky đã bác bỏ và coi đó là "tối hậu thư" yêu cầu đầu hàng. Vậy làm thế nào Ukraine có thể tránh được kết quả không mong muốn này và ông có thể làm được điều gì với sự mất cân bằng lực lượng hiện tại?

Nếu không có những thay đổi lớn trong mục tiêu chiến tranh của phương Tây và Ukraine, "tối hậu thư" của Moscow có khả năng rất cao là được thông qua. Hy vọng thực tế nhất của Ukraine là tìm cách giữ lại tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này hiện có, không giao lại thêm bất kỳ vùng đất nào và đàm phán để chấm dứt chiến sự. "Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng có thể đã quá muộn để mong đợi ngay cả kết quả tối thiểu đó", tác giả thừa nhận.

Ukraine cần phải làm gì?

Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 4/2023. Nhưng để đạt được kết quả, Ukraine sẽ phải huy động thành công thêm 300.000 quân trong vài tháng tới, nhận ít nhất nửa triệu quả đạn pháo, thêm 7 hệ thống phòng không Patriot, thêm hàng trăm xe bọc thép các loại và hàng chục nghìn UAV. Kiev sẽ cần phải củng cố tất cả các tuyến phòng thủ dọc theo mặt trận.

Theo tác giả, nếu Ukraine không tăng cường ồ ạt các mục tiêu huy động và NATO không cung cấp nhiều hơn những gì họ cam kết hiện nay thì ngay cả mục tiêu hạn chế này cũng có rất ít cơ hội thành công.

Tuy nhiên, Ukraine sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu thay đổi mục tiêu của mình. Điều này sẽ đòi hỏi một chính sách mà ít quốc gia phương Tây và không ai trong chính quyền của Tổng thống Zelensky muốn tính đến: ngừng bắn ngay lập tức theo những gì Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đề xuất và một giải pháp thương lượng theo các điều khoản tốt nhất có thể.

Ukraine đang đứng trước cánh cửa rất hẹp để xoay chuyển động lực của cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình. Ngay cả khi đó, Nga vẫn đang nắm giữ phần lớn quân bài. NATO chỉ muốn tìm kiếm một chiến thắng cho Ukraine và một thất bại cho Nga. Tuy nhiên, nhìn thấu vấn đề thì thấy đây là kết quả không thể đạt được ở hiện tại hoặc trong tương lai.

Nếu phương Tây không chịu chấp nhận thực tế, kết quả có thể xảy ra nhất đối với Ukraine là một thất bại quân sự, thậm chí có thể bao gồm việc mất Odessa, Kharkov và nhiều lãnh thổ hơn cả tối hậu thư vào tháng 6/2024 của Moscow.

Đó là một lựa chọn khó khăn, nhưng vào thời điểm này, tốt hơn hết là cả Ukraine và châu Âu nên tìm kiếm một giải pháp thương lượng khó chấp nhận nhưng có thể đạt được thay vì phớt lờ thực tế và cuối cùng phải chịu thất bại quân sự.

Theo National Interest
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm