1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine tìm cách bảo vệ điểm yếu chí mạng trên xe tăng Challenger của Anh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine đang tìm cách bảo vệ xe tăng Challenger 2 do Anh viện trợ, trong bối cảnh vũ khí này vẫn có những điểm yếu mà Nga có thể tấn công phá hủy.

Ukraine tìm cách bảo vệ điểm yếu chí mạng trên xe tăng Challenger của Anh - 1

Ukraine bổ sung lớp gia cố cho giáp dốc thân trước trên xe tăng Challenger 2 (Ảnh: Forbes).

Forbes đưa tin, quân đội Ukraine đã gia tăng lớp bảo vệ cho xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất bằng cách lắp giáp ở mặt trước, phía dưới (lớp giáp dốc thân trước) của chiếc xe tăng nặng 69 tấn.

Đây được xem là nỗ lực bảo vệ một trong những điểm yếu chí mạng nhất của chiếc xe tăng này khỏi các đầu đạn hai tầng nổ, giống như trên tên lửa chống tăng Kornet của Nga.

Động thái diễn ra sau vụ việc hồi đầu tháng, khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps xác nhận xe tăng chiến đấu Challenger 2 của Anh đã bị Nga phá hủy ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên Challenger 2 bị phá hủy sau gần 30 năm mẫu xe này được đưa vào sử dụng.

Vụ Ukraine mất Challenger 2 đánh dấu Nga là nước đầu tiên phá hủy được dòng xe tăng do Anh sản xuất trong một cuộc đối đầu.

Challenger 2 là một trong những loại xe tăng được bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Lớp giáp "Dorchester" của vũ khí này  gồm nhiều lớp thép chồng lên nhau có thể vô hiệu đạn lõm, tên lửa chống tăng bằng cấu tạo "tổ ong".

Tuy nhiên, học thuyết quân sự của Anh trong nhiều năm qua thường ưu tiên xe tăng chiến đấu trong thế phòng thủ. Vì vậy, giáp thân dốc trước của xe tăng chỉ được làm bằng một lớp kim loại mỏng, vì nó sẽ nằm dưới mặt đất khi xe tăng chiến đấu sau một cấu trúc giống như kè.

Để xe tăng có thể tấn công xuyên phá, Anh đã bổ sung cho lớp giáp dốc thân trước một lớp bảo vệ bổ sung, nhưng khi chuyển xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, London không gửi kèm thiết bị này.

Theo các chuyên gia, Anh dường như kỳ vọng Ukraine sẽ sử dụng Challenger 2 làm nhiệm vụ phòng thủ.

Tuy nhiên, vấn đề đối với Lữ đoàn tấn công đường không số 82 của Ukraine - đơn vị duy nhất sử dụng xe tăng Challenger 2 của Ukraine - là họ đang trong thế tấn công.

Đây là lữ đoàn dẫn đầu trong một lực lượng có quy mô sư đoàn tấn công trên trục dài gần 100km từ Robotyne đến Melitopol ở mặt trận miền Nam.

Do đó, việc Ukraine bổ sung thêm lớp bảo vệ lên lớp giáp dốc thân trước là điều dễ hiểu vì họ biết các xe tăng Challenger cuối cùng cũng sẽ phải di chuyển tiến lên theo đội hình lữ đoàn 82 để làm nhiệm vụ xuyên phá phòng tuyến.

Tuy nhiên, theo Forbes, nỗ lực của Ukraine dường như là chưa đủ, vì Challenger vẫn còn điểm yếu ở khu vực khác là tháp pháo xe tăng, nơi cũng có lớp thép mỏng manh và không có biện pháp gia cố bổ sung.

Trong vụ việc Challenger 2 bị phá hủy, chiếc xe tăng dường như đã bị trúng phải mìn Nga khiến nó trở nên bất động. Challenger 2 dễ dàng trở thành mục tiêu của tên lửa Kornet.

Đầu đạn 2 tầng nổ của Kornet hoạt động theo cơ chế: Đầu đạn 1 đục một lỗ trước trên thân xe tăng, rồi đầu đạn 2 phát nổ bên trong vũ khí này.

Nếu Kornet tấn công Challenger ở khu vực lớp giáp dốc thân trước mà Ukraine đã gia cố, xe tăng này có thể sống sót. Tuy nhiên, Kornet đã tấn công dội từ nóc xuống, nhằm thẳng vào tháp pháo xe tăng. Đạn dược trong tháp pháo bốc cháy.

Thông thường, Challenger sẽ có các thùng chứa nước để dập đám cháy quanh tháp pháo nhằm tránh vụ nổ kế tiếp. Tuy nhiên, lần này Kornet đã tấn công thành công khiến Challenger 2 bị phá hủy.

Theo Forbes, Ukraine dường như đã hiểu rõ vấn đề này và sẽ tiếp tục nỗ lực có thêm biện pháp để bảo vệ chiếc xe tăng do Anh viện trợ khi Nga đã nắm được điểm yếu chí mạng của Challenger 2. 

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine