1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine tiết lộ lý do lo ngại tiêm kích "bóng ma bầu trời" của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Không quân Ukraine giải thích nguyên nhân lực lượng này lo ngại về tiêm kích đa năng Su-35 của Nga trong cuộc xung đột giữa 2 nước.

Ukraine tiết lộ lý do lo ngại tiêm kích bóng ma bầu trời của Nga - 1

Một tiêm kích Su-35 Nga phóng tên lửa không đối không (Ảnh: Twitter).

Phát ngôn viên Không quân Ukraine Yury Ignat cho biết, tiêm kích Su-35 của Nga là mối đe dọa lớn với Kiev trong cuộc xung đột giữa 2 nước.

Khi được hỏi rằng liệu Nga có tiêm kích nào là đối thủ xứng tầm với F-16 mà Ukraine muốn phương Tây viện trợ hay không, ông Ignat cho biết: "Họ có Su-35. Đó là một trong những tiêm kích tốt nhất. Máy bay gây ra mối đe dọa cho chúng tôi là Su-35. Đó là điều phải ghi nhận".

Theo quan chức Ukraine, tiêm kích Nga có những vũ khí công nghệ hiện đại, bao gồm R-37 - loại tên lửa có "tầm bắn thậm chí còn lớn hơn tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM" của Mỹ.

"Ưu điểm chính của máy bay Nga là radar của nó. Su-35 có một hệ thống định vị và ngắm bắn có thể theo dõi và nhằm vào nhiều mục tiêu trên không cùng lúc", ông Ignat nói.

Quan chức Ukraine nói thêm rằng Su-35 cũng sở hữu các thiết bị bảo vệ và tác chiến điện tử mạnh mẽ, nhưng tiêm kích Nga vẫn có nguy cơ có thể bị bắn hạ. 

"Mọi người cần hiểu rằng, Su-35 là vũ khí mạnh mẽ, nhưng F-16 không phải là một đối thủ yếu vì nó cũng được hiện đại hóa", ông nhấn mạnh.

Sukhoi Su-35 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, 2 động cơ, thế hệ 4++ do Nga phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker từ thời Chiến tranh Lạnh với mục tiêu đối đầu với tiêm kích F-15 Eagle của Mỹ đang có ưu thế trên không tuyệt đối khi đó.

Nguyên mẫu đầu tiên của máy bay này được ra mắt vào năm 1992 tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough, Anh. Những chiếc Su-35 đầu tiên được trang bị cho lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga từ 1995.

Giữa những năm 2000, bằng các công nghệ tiên tiến, nhà thầu Sukhoi bắt đầu hiện đại hóa biến thể Su-35S nhằm nâng cấp tầm hoạt động, kết cấu, khả năng mang vũ khí, động cơ, khả năng tàng hình, năng lực tác chiến điện tử và hỏa lực. Với những năng lực tác chiến vượt trội, tiêm kích này được truyền thông Nga mệnh danh là "bóng ma bầu trời".

Su-35S có khả năng phối hợp hoạt động tác chiến của các máy bay khác trên không, nghĩa là nó có thể thực hiện các chức năng của một máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).

Trong chế độ theo dõi bình thường, ở bán cầu trước, radar Irbis có thể quét góc phương vị 120 độ ngang sang 2 bên và phát hiện các mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar cỡ 3m2 trong phạm vi 200km. Nhờ vậy, Su-35S có khả năng nhìn bao quát từ trên cao, khóa mục tiêu từ khoảng cách hàng trăm km, sau đó phóng tên lửa tầm xa để tấn công máy bay của đối phương.

R-37M là tên lửa không đối không (AAM) tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu trên không tốc độ cao từ hơn 300km.

Đây được xem là một trong những tên lửa không đối không tầm xa nhất thế giới. Nó có khả năng theo dõi mục tiêu thông qua hệ thống radar chủ động và bán chủ động. Điều này có nghĩa là một khi R-37M được phóng đi, nó sẽ độc lập hoàn toàn với phương tiện phóng. Tốc độ cao khiến cho tên lửa này có thể đánh chặn được cả mục tiêu tàng hình.

"Sát thủ" Su-35S Nga phóng tên lửa chính xác phá hủy mục tiêu Ukraine

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm