1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine rút gọn "công thức hòa bình" với Nga?

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine được cho là đã rút gọn "công thức hòa bình" từ 10 điểm xuống còn 3 điểm do lo ngại hội nghị hòa bình sắp tới ở Thụy Sĩ có thể thất bại.

Ukraine rút gọn công thức hòa bình với Nga? - 1

Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2022 (Ảnh: Reuters).

Trang tin Delovaya Stolitsa của Ukraine ngày 21/5 dẫn nguồn thạo tin nói rằng, chính phủ Ukraine đã phải rút gọn cái gọi là "công thức hòa bình" do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra, từ 10 điểm xuống còn 3 điểm.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Reuters, ông Zelensky cho biết ông dự định tập trung vào an ninh lương thực và hạt nhân, cũng như các vấn đề nhân đạo như trao đổi tù nhân trong hội nghị hòa bình sắp tới tại Thụy Sĩ.

Theo Delovaya Stolitsa, kỳ vọng của Kiev về sự kiện này đã trở nên kém lạc quan hơn nhiều. Tổng thống Zelensky dự định không thảo luận gì ngoài công thức hòa bình của riêng ông tại hội nghị thượng đỉnh, nhưng các nhà tổ chức đã quyết định rằng tất cả những người tham gia nên có cơ hội đưa ra những thay đổi trong tài liệu cuối cùng.

Điều này được cho là nhằm thu hút sự tham gia của lãnh đạo các nước Nam bán cầu, bởi sự vắng mặt của họ sẽ khiến hội nghị thượng đỉnh trở nên vô ích.

Do vậy, báo Delovaya Stolitsa nhận định, chính phủ Ukraine đang phải đối mặt với 2 diễn biến bất lợi: hoặc các nhà lãnh đạo Nam bán cầu sẽ không dự hội nghị, hoặc hội nghị sẽ dẫn đến một tài liệu cuối cùng ít có lợi hơn đối với Kiev.

Vì vậy, chính quyền của ông Zelensky buộc phải đưa ra quyết định rút gọn "công thức hòa bình" xuống còn 3 lĩnh vực ít tranh cãi nhất giữa những người tham gia.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ đầu tháng này xác nhận Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu sẽ diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Thụy Sĩ vào ngày 15-16/6 tới theo đề nghị của Ukraine.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh hội nghị nhằm tạo ra khuôn khổ thuận lợi cho một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Ukraine, cũng như một lộ trình cụ thể cho sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình.

Thụy Sĩ đã gửi lời mời tham dự tới hơn 100 nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ dự hội nghị. Tuy nhiên, Nga chưa được mời ở giai đoạn này.

Giới chức Nga trước đó tuyên bố họ sẽ không tham gia hội nghị tại Thụy Sĩ, quốc gia mà họ cho là đã từ bỏ sự trung lập và liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Điện Kremlin nêu rõ, bất cứ đàm phán nào về cuộc xung đột ở Ukraine mà không có sự tham gia của Nga sẽ không có kết quả. Mặt khác, Moscow khẳng định, Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine nhằm chấm dứt xung đột, song mọi đàm phán phải tính đến lợi ích an ninh của Nga cũng như dựa trên thực tế mới về lãnh thổ.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây cho biết: "Trung Quốc ủng hộ việc triệu tập kịp thời một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các lựa chọn".

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3 nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Hãng tin ABC News dẫn lời chỉ huy Lữ đoàn lực lượng vũ trang số 57 của Ukraine, Đại tá Alexander Bakulin, cho biết lực lượng vũ trang Ukraine thừa nhận rằng Kiev có thể phải chấp nhận mất lãnh thổ để chấm dứt xung đột ở Nga.

Theo ông Bakulin, cuộc xung đột hiện tại sẽ kết thúc bằng các cuộc đàm phán hòa bình và một thỏa thuận hòa bình sau đó, như bất kỳ cuộc xung đột nào khác.

Ông Bakulin dường như sẵn sàng chấp nhận kịch bản Ukraine sẽ phải đồng ý nhượng bộ về lãnh thổ, như Phần Lan đã làm trong thời kỳ Liên Xô.

Ông Bakunin nói thêm rằng lực lượng Ukraine đang cố gắng ổn định tình hình ở tiền tuyến, nhưng quân đội Nga "liên tục đạt được thành công" ở khu vực Kharkov.

Chỉ huy này thừa nhận, tình hình của lực lượng Ukraine vẫn khá khó khăn vì giao tranh vẫn tiếp diễn trong khi viện trợ quân sự của Mỹ vẫn chưa được chuyển giao.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine