Cựu quan chức nêu lý do Mỹ không hối thúc Ukraine đàm phán với Nga
(Dân trí) - Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington không hối thúc Ukraine đàm phán chấm dứt xung đột với Nga bởi Kiev chưa từng có vị thế đàm phán tốt.
Trả lời phỏng vấn Politico ngày 11/5, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Mỹ chưa bao giờ thực sự hối thúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, kể cả ở thời điểm cuối năm 2022 khi Kiev phản công thành công và giành lại một phần lãnh thổ.
"Khi đó họ không ở vị thế đủ mạnh. Bây giờ họ không ở một vị trí đủ mạnh. Thỏa thuận duy nhất mà Nga sẽ thực hiện khi đó là một thỏa thuận "những gì của tôi là của tôi, những gì của các vị có thể thương lượng được". Tất nhiên, một thỏa thuận như vậy là không bền vững", bà Nuland lý giải.
Mặt khác, bà Nuland cũng cho rằng Nga chưa đạt được mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo bà, Ukraine vẫn có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến với Nga.
Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao Mỹ từ chối trả lời câu hỏi liệu bà có nghĩ Ukraine có thể giành lại các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea, hay không.
Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 2 năm, song triển vọng đàm phán vẫn mờ mịt. Nga tuyên bố chỉ đàm phán khi Ukraine chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ", ngầm ý rằng Kiev phải công nhận việc các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga. Trong khi đó, Kiev khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.
Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 2/5, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nhận định, Nga sẽ tăng cường tấn công cơ sở hạ tầng, làm chậm quá trình sản xuất quốc phòng của Ukraine và buộc nước này phải xem xét đàm phán.
Báo Economist dẫn lời tướng tình báo quân sự Ukraine Vadim Skibitsky cũng cho rằng, tháng 5 có thể sẽ là thời điểm quan trọng khi Nga thực hiện "kế hoạch 3 lớp" nhằm gây bất ổn cho Ukraine.
Theo đó, lớp đầu tiên là tăng cường tấn công quân sự. Thứ hai là chiến dịch phát tán thông tin sai lệch nhằm lung lay sự đoàn kết ở Ukraine. Thứ ba là cô lập Ukraine trên trường quốc tế. "Họ sẽ đảo lộn mọi thứ bằng mọi cách có thể", ông nói.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh, nếu Nga tỏ ra có thiện chí đàm phán về vấn đề Ukraine, Mỹ chắc chắn sẽ sẵn sàng.
Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ có kế hoạch giúp Ukraine trở thành một quốc gia thành công về mặt quân sự, kinh tế và dân chủ, đồng thời sẽ hỗ trợ Ukraine về lâu dài. Ông nói, Washington đã cố gắng đoàn kết các nước trên thế giới để giúp đỡ Kiev vì hiểu rằng chiến dịch quân sự của Nga không chỉ nhằm vào Ukraine mà còn ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới.
"Vì vậy, tôi hy vọng (Tổng thống Nga) ông Putin hiểu được thông điệp và thể hiện thiện chí đàm phán thực sự, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc gồm: chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập. Nếu những điều đó được khẳng định một cách thích hợp, chúng ta sẽ tìm được giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine", ông nêu rõ.