1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine phản công thần tốc, Mỹ và đồng minh tính cấp máy bay chiến đấu

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí tối tân, bao gồm máy bay chiến đấu, trong bối cảnh Kiev tiến hành cuộc phản công ở miền Đông.

Ukraine phản công thần tốc, Mỹ và đồng minh tính cấp máy bay chiến đấu - 1

Binh sĩ Ukraine chuyển tên lửa Mỹ ở sân bay Kiev (Ảnh: AFP).

Theo Financial Times, một số đồng minh phương Tây đã được khích lệ bởi cuộc phản công thành công của Ukraine ở khu vực Kharkov, buộc Nga phải rút quân vào tuần trước.

Hiện phương Tây đang thảo luận về "nhu cầu dài hạn của Ukraine". Một số quan chức phương Tây tin rằng sẽ là phù hợp nếu gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine về "trung hạn và dài hạn".

Các quốc gia phương Tây trước đây đã từ chối cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, với các lý do như mất nhiều thời gian đào tạo phi công Ukraine, các vấn đề về bảo dưỡng các hệ thống vũ khí tiên tiến trên mặt đất và nguy cơ leo thang xung đột với Nga.

Kiev đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Slovakia. Slovakia cho biết họ có thể cung cấp các máy bay chiến đấu cũ thời Liên Xô để hỗ trợ phi đội của Ukraine. Quân đội Slovakia đã cho các máy bay MiG-29 của nước này "nghỉ hưu" từ cuối tháng 8.

Cuộc phản công thần tốc ở Kharkov được giới chức Mỹ coi là thành công lớn của quân đội Ukraine, sau khi Kiev phải hứng chịu một số thất bại trên chiến trường trước các lực lượng Nga và ủng hộ Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần này tuyên bố, các lực lượng Ukraine đã đạt được "tiến bộ đáng kể" nhờ sự hỗ trợ của phương Tây. Các nước phương Tây đảm bảo rằng Ukraine có trong tay các thiết bị cần thiết để tiến hành cuộc phản công này.

Theo Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, các cơ quan tình báo phương Tây đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho chiến dịch phản công của Ukraine.

Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, chỉ trong một tuần, bắt đầu từ ngày 6/9, 590 thiết bị của Nga đã bị phá hủy.

"Tổn thất của đối phương là 86 xe tăng và 158 xe chiến đấu bọc thép, 106 tổ hợp pháo, 159 xe cơ giới và 46 đơn vị khí tài khác", Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine tuyên bố hôm 13/9.

Trong thời gian gần đây, khi quân đội Ukraine đang phải căng mình trên nhiều mặt trận nhằm phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam và phòng thủ trước đà tiến công của Nga ở vùng Donbass tại miền Đông, các đồng minh phương Tây liên tục viện trợ thêm vũ khí nhằm tiếp sức cho Kiev.

Mỹ đầu tháng 9 công bố  gói viện trợ quân sự mới trị giá 675 triệu USD cho Ukraine. Gói này sẽ bao gồm nhiều đạn dược hơn cho các hệ thống pháo phóng loạt mà Mỹ đã chuyển cho Ukraine trước đó, ngoài ra cũng bao gồm các phương tiện và thiết bị cho binh lính Ukraine.

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev hôm 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo với Quốc hội Mỹ về kế hoạch cung cấp 2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và 18 nước láng giềng nhằm đối phó Nga.

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho quân đội Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn đang nổ ra. Trong số các loại vũ khí hạng nặng mà Lầu Năm Góc gửi tới Kiev có hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), lựu pháo M777 và máy bay không người lái chiến đấu.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine