1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine ngỏ ý nhượng bộ Nga trước nguy cơ xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Ukraine tại Anh đã đưa ra những tuyên bố cho thấy khả năng nhượng bộ của Kiev trong đàm phán với Nga giữa lúc căng thẳng leo thang.

Ukraine ngỏ ý nhượng bộ Nga trước nguy cơ xung đột - 1

Xe tăng tập trận tại vùng Kharkiv, Ukraine hôm 10/2 (Ảnh: Reuters).

"Hiện tại chúng tôi không phải là thành viên của NATO. Để tránh chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng nhân nhượng và đây cũng là điều chúng tôi đang trao đổi với Nga", Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko nói với BBC hôm 14/2.

Đại sứ Prystaiko ban đầu được BBC dẫn lời nói rằng Ukraine có thể "linh hoạt" trong mục tiêu gia nhập NATO, "nhất là khi đang bị đe dọa, bị cưỡng ép như hiện nay". Sau đó, ông Prystaiko nói rằng ông đã bị hiểu nhầm về việc gia nhập NATO, mặc dù Ukraine cũng chuẩn bị cho các nhượng bộ khác.

"Chúng tôi có thể, đặc biệt là khi đang bị đe dọa... Ý tôi muốn nói ở đây là chúng tôi linh hoạt, cố gắng tìm giải pháp tốt nhất", Đại sứ Prystaiko nói về việc Ukraine có thể trở thành thành viên của NATO.

Việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO là một trong những vấn đề quan ngại của Nga. Cuối năm ngoái, Nga đã đưa ra một loạt đề xuất an ninh với Mỹ và NATO, trong đó có đề xuất NATO cam kết không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine. Nga coi đây là những vấn đề "sống còn" có thể tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Nga xem Ukraine và Georgia là những vùng đệm an ninh trước các mối đe dọa từ NATO. Nếu các nước này gia nhập NATO, đó sẽ là mối lo ngại lớn với Moscow và càng đáng lo ngại hơn khi Ukraine đang ngày càng ngả về phương Tây.

Ukraine có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga khi được coi là bức tường thành giữa Nga và các nước Đông Âu. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định Ukraine có mối quan hệ về kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa chặt chẽ với Nga.

Tổng thống Putin từng tuyên bố việc Ukraine xích lại gần NATO có thể khiến lãnh thổ nước này trở thành "bệ phóng" cho các tên lửa của NATO nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã bác bỏ đề nghị này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cuối tháng trước tuyên bố, NATO "sẽ không thỏa hiệp" về chính sách mở rộng về phía đông bởi điều đó mâu thuẫn với "nguyên tắc cốt lõi" của khối.

Reuters ngày 14/2 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói với Tổng thống Putin rằng Điện Kremlin nên tìm kiếm một con đường ngoại giao để đạt được các đảm bảo về an ninh mà Moscow yêu cầu trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Ukraine.

Trong nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/2 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục đối thoại trong những ngày tới, song Washington lo ngại "Nga có thể vẫn quyết định hành động quân sự với Ukraine".

Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Biden đã nói rõ với ông Putin rằng, Mỹ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao trên cơ sở hợp tác với các đồng minh và đối tác, song cũng sẵn sàng cho các kịch bản khác.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần này sẽ có chuyến thăm tới Kiev và Moscow để hội đàm với các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga. Tuy nhiên, một quan chức Đức nhận định các cuộc gặp này sẽ không mang lại kết quả khả quan.

Theo www.reuters.com