1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine: Nga đề xuất thỏa thuận đình chiến giống ở bán đảo Triều Tiên

Minh Phương

(Dân trí) - Một quan chức Ukraine cho biết, Nga đang đánh tiếng thông qua các chính khách châu Âu rằng, họ muốn một thỏa thuận đình chiến ở Ukraine tương tự thỏa thuận ở bán đảo Triều Tiên.

Ukraine: Nga đề xuất thỏa thuận đình chiến giống ở bán đảo Triều Tiên - 1

Binh sĩ Nga gác bên bờ sông Dnipro gần Kherson, miền Nam Ukraine (Ảnh: EPA).

"Họ (Nga) đưa ra cho chúng tôi phương án đình chiến kiểu liên Triều. Tôi chắc chắn một trong những phương án mà họ có thể đề xuất là vĩ tuyến 38", người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 8/1.

Khi Thế chiến II kết thúc, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi thành hai miền bằng vĩ tuyến 38. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 25/6/1950 và kéo dài đến năm 1953 cho đến khi các bên ký thỏa thuận ngừng bắn.

Hiệp định giúp chấm dứt một cuộc chiến giằng co suốt 3 năm, đồng thời thiết lập một khu phi quân sự ở biên giới. Tuy nhiên, đây chỉ là thỏa thuận ngừng bắn được ký giữa các lực lượng quân sự, không phải một hiệp định hòa bình. Điều này khiến hai miền bán đảo (Triều Tiên và Hàn Quốc) trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Ông Danilov cho biết, Phó chánh văn phòng Điện Kremlin Dmitry Kozak đã liên hệ với các chính khách châu Âu và "gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng đưa ra nhiều thỏa hiệp để công nhận hiện trạng và buộc chúng tôi phải thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn nào đó".

Nga hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine từ ngày 24/2/2022 với tuyên bố nhằm bảo vệ người dân vùng Donbass, miền Đông Ukraine và ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra một "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, trong đó yêu cầu Nga rút hết quân và Ukraine khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.

Tuy vậy, Nga coi những điều kiện này của Kiev là "không thể chấp nhận được". Trong cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow vẫn để ngỏ hòa đàm nhưng chỉ khi Kiev chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ".

"Thực tế mới về lãnh thổ" ngầm chỉ việc các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia của Ukraine sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi hồi tháng 9 năm ngoái. Đến nay Nga vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn các vùng này. Ngoài 4 vùng trên, Nga cũng sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 thông qua hình thức tương tự.

Việc Nga và Ukraine đưa ra những điều kiện khó chấp nhận với đối phương, khiến triển vọng hòa đàm chấm dứt xung đột vẫn mờ mịt khi cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 11.

Các đồng minh và đối tác phương Tây tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ quân sự để giúp Ukraine giành ưu thế trên chiến trường và có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo, nếu xung đột bế tắc kéo dài, phương Tây khó tránh khỏi cảm giác mệt mỏi vì chi phí bỏ ra quá lớn.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine