Ukraine nêu cách Nga đánh lừa phòng không bằng tên lửa siêu vượt âm giả
(Dân trí) - Quan chức Ukraine thừa nhận Nga đã tìm cách đánh lừa lá chắn phòng thủ của Kiev bằng cách dùng tác chiến điện tử để mô phỏng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Yurii Ihnat, phát ngôn viên Không quân Ukraine, cho biết trong vụ tấn công ngày 14/12, Nga đã áp dụng chiến thuật mới nhằm đánh lừa phòng không Ukraine bằng công nghệ tác chiến điện tử vượt trội.
Cụ thể, theo quan chức này, tác chiến điện tử của Nga đã phát ra các xung điện từ nhằm khiến các radar cảnh giới của Ukraine tưởng nhầm các vũ khí "mồi" là tên lửa Kinzhal của Moscow.
Trước đó, Ukraine thừa nhận Nga đã thực hiện một cuộc tập kích phức tạp khi Moscow nhiều lần trong ngày đã triển khai MiG-31K mang theo Kinzhal nhưng không khai hỏa. Ngoài ra, Ukraine nói Nga cũng thực hiện các vụ phóng tên lửa giả gây rối loạn cho phòng không Ukraine.
Tuy nhiên, ông Ihnat cho biết, Nga cũng phóng ra tên lửa Kinzhal thật hôm 14/12 và Ukraine đã đánh chặn được quả tên lửa này.
Ông cũng từ chối cung cấp thông tin về hậu quả của vụ tấn công do Nga thực hiện. "Hãy để đối phương tự rút ra kết luận cho chính họ, không nên trao cho họ thông tin về địa điểm họ đã nhắm mục tiêu và nơi họ đã tấn công", ông Ignat nói.
Quan chức Ukraine cho hay, khi một vũ khí của Nga xuất hiện trên không phận và bị radar phát hiện, nó có thể là mồi nhử và Kiev không phải lúc nào cũng phân biệt được giữa mục tiêu thật và giả.
"Tốc độ của vũ khí Nga trung bình là hơn 7.000km/h vì vậy chúng tôi phải thông báo ngay lập tức cho người dân về mối đe dọa trước khi xác định là quả tên lửa là thật hay giả. Rõ ràng, đối phương đang quan sát phòng không của Ukraine và sử dụng mọi năng lực kỹ thuật để đánh lừa hệ thống của chúng ta", ông thừa nhận.
Nga chưa bình luận về các thông tin do Ukraine cung cấp nhưng trước đó Moscow nhiều lần tuyên bố Kinzhal, có tầm bắn hơn 1.000km và tốc độ Mach 9 (11.113km/h), là vũ khí "bất khả chiến bại" với bất cứ hệ thống phòng không nào của đối phương vào lúc này.
Sự nguy hiểm của tên lửa Kinzhal nằm ở sự chính xác, tầm bắn và tốc độ siêu vượt âm của nó. Tên lửa này sở hữu hệ thống dẫn đường đặc biệt, giúp nó có thể thay đổi quỹ đạo để né phòng không của đối phương ở mọi giai đoạn khi bay và khiến việc bắn hạ nó rất khó khăn.
Hồi tháng 5, Ukraine từng tuyên bố đánh chặn thành công Kinzhal của Nga bằng hệ thống Patriot do Mỹ viện trợ. Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ thông tin này, cho rằng về mặt kỹ thuật Patriot bắn rơi được Kinzhal là không thể xảy ra.
Cụ thể, theo một quan chức Nga, vận tốc của Kinzhal vượt quá chế độ đánh chặn tối đa của Patriot. Ông nói rằng, Kinzhal có khả năng tránh tên lửa giai đoạn bay cuối cùng và tấn công mục tiêu theo phương thẳng đứng khiến các hệ thống đất đối không hiện tại không thể bắn rơi.
Cũng vào thời điểm đó, Nga tuyên bố một tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã phá hủy tổ hợp phòng không Patriot của quân đội Ukraine. Mỹ sau đó xác nhận Patriot đã bị hư hại sau cuộc tấn công của Nga nhưng lá chắn đã được sửa chữa để đưa trở lại tác chiến.