1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine nâng cấp tên lửa "thủy thần" tầm bắn bao trùm Crimea

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Ukraine hé lộ nước này đang nâng cấp tên lửa hành trình Neptune tầm bắn mở rộng, có thể tập kích bất cứ mục tiêu nào trên bán đảo Crimea.

Ukraine nâng cấp tên lửa thủy thần tầm bắn bao trùm Crimea - 1

Tên lửa Neptune trong vụ phóng thử năm 2019 (Ảnh: Business Insider).

Forbes đưa tin, Ukraine đang phát triển một phiên bản tầm xa hơn của tên lửa hành trình Neptune phóng từ mặt đất.

Theo giới quan sát, việc Kiev tự chủ được việc sản xuất vũ khí tầm xa sẽ có lợi cho họ trong bối cảnh nguồn viện trợ của phương Tây đang dần cạn, đặc biệt là vũ khí tầm xa.

Ngày 4/12, Trung tướng Ivan Gavrylyuk, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine tiết lộ: "Một dự án đang được tiến hành để tạo ra tên lửa "Long Neptune". Đây là một phiên bản cải tiến, kéo dài tầm bắn của tổ hợp Neptune".

Trước đó, Luch, cơ quan thiết kế của Ukraine chịu trách nhiệm về Neptune, trong nhiều tháng đã thử nghiệm những cải tiến cho "thủy thần" Neptune nhằm mở rộng tầm bắn của tên lửa lên tới 400km, tăng hơn 100km so với tầm tấn công ban đầu.

Nếu nỗ lực này thành công, phiên bản tầm xa của Neptune có thể vươn tới bất cứ mục tiêu nào trên bán đảo Crimea, thậm chí tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Do đây là tên lửa nội địa do Ukraine tự phát triển, họ cũng không bị ràng buộc về việc không được phóng vũ khí vào Nga như những cam kết với phương Tây khi được viện trợ tên lửa tầm xa.

Neptune thu hút sự chú ý của giới chuyên gia quân sự từ tháng 4/2022. Vào thời điểm đó, quân đội Ukraine tuyên bố đã dùng 2 tên lửa Neptune bắn vào soái hạm Moskva trên Biển Đen khiến chiến hạm này bị chìm.

Nga nói con tàu này bị chìm do hỏa hoạn bất ngờ nhưng Mỹ đồng tình với tuyên bố của Ukraine rằng Kiev đã dùng Neptune bắn vào tàu chiến của Moscow.

Theo các tài liệu do Luch công bố, Neptune là tên lửa phòng thủ bờ biển được thiết kế để tấn công tàu chiến của đối phương với tầm bắn lên tới 306km.

Tên lửa Neptune được phóng từ các ống gắn sau xe tải cỡ lớn, có thể được bắn ở vị trí cách bờ biển khoảng 25km, từ đó cho phép phương tiện này ẩn náu tốt hơn trước tàu và máy bay trinh sát của đối phương.

Mỗi xe tải có thể mang 4 tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune và có thể phóng trong vòng 15 phút kể từ khi xe vào vị trí. Sau đó, các xe tải, có khả năng di chuyển với vận tốc 64km/h trên đường bằng, có thể nhanh chóng di chuyển đến vị trí khai hỏa mới.

Mỗi tên lửa Neptune mang đầu đạn nặng khoảng 150kg và có tổng khối lượng khoảng 860kg. Neptune có khả năng phá hủy các mục tiêu có trọng tải lên tới 5.000 tấn.

Neptune có thể được triển khai trên tàu, trên bộ và bằng các bệ phóng trên không. Tên lửa này được lực lượng vũ trang Ukraine chính thức tiếp nhận vào tháng 8/2020 và đưa vào biên chế hồi tháng 3 năm 2021, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển.

Dự án phát triển tên lửa Neptune được khởi động từ năm 2014 sau khi Ukraine mất gần 80% số tàu hải quân trong sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Nó được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tên lửa hành trình do Nga chế tạo có tên là Kh-35.

Để né tránh các loại vũ khí được thiết kế nhằm phát hiện và bắn hạ tên lửa chống hạm, tên lửa Neptune bay ở tầm thấp - cách mặt biển chỉ khoảng 3-9m - khiến tên lửa này khó có thể bị phát hiện trên radar khi bay đến gần. 

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine