Ukraine muốn thỏa thuận an ninh mạnh nhất với Mỹ
(Dân trí) - Ukraine đang chờ gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ và mong muốn đạt được một thỏa thuận an ninh mạnh mẽ với Washington.
Trong bài phát biểu trực tuyến ngày 28/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: "Chúng tôi vẫn đang chờ đợi nguồn cung các bên đã cam kết chuyển cho Ukraine. Chúng tôi kỳ vọng chủng loại và số lượng nguồn cung có thể thay đổi tình hình trên chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine".
Nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm: "Điều quan trọng là mọi thỏa thuận chúng ta đạt được đều phải được thực hiện, mọi thứ sẽ mang lại kết quả thiết thực trên chiến trường và nâng cao tinh thần của mọi người ở tiền tuyến".
Ông Zelensky cho biết, ông đã nói chuyện với Hakeem Jeffries, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ hôm 28/4. Trong cuộc trò chuyện, ông Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine rất cần các hệ thống phòng không Patriot.
"Chúng tôi đang làm việc với các đối tác của mình ở mọi cấp độ để đạt được mức độ hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ cần thiết không chỉ để giữ vững lập trường của chúng tôi mà còn để phá vỡ các kế hoạch của Nga", ông nói.
Ngoài ra, ông cho hay, Kiev đang đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về một thỏa thuận hợp tác lâu dài cả về quân sự, kinh tế và chính trị. Ông nhấn mạnh, những cam kết như vậy là cần thiết để đảm bảo cho Ukraine có được "hiệu quả hỗ trợ" để ngăn chặn các bước tiến gần đây trên chiến trường của lực lượng Nga và giành được ưu thế.
Hồi đầu tuần trước, ông Zelensky xác nhận, Ukraine và Mỹ đã bắt đầu đàm phán về thỏa thuận hợp tác an ninh song phương.
"Chúng tôi đang nỗ lực để có được cam kết hỗ trợ cụ thể (của Mỹ) trong năm nay và trong 10 năm tới. Nó sẽ bao gồm hỗ trợ về quân sự, tài chính và chính trị, cũng như những gì liên quan đến việc sản xuất vũ khí chung", Tổng thống Zelensky nói.
Ông hy vọng đó sẽ là thỏa thuận an ninh mạnh nhất trong số các thỏa thuận mà Kiev đạt được với các đồng minh, đối tác. Kiev đã ký thỏa thuận an ninh song phương với một số thành viên NATO, trong đó có Anh, Đức, Pháp.
Tuy nhiên, các thỏa thuận song phương của Ukraine với các nước phương Tây ủng hộ cho đến nay vẫn chưa đạt được các cam kết phòng thủ chung. Các thỏa thuận chỉ đơn thuần cam kết viện trợ dài hạn, bao gồm hỗ trợ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công trong tương lai và chúng không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Ví dụ, thỏa thuận với Berlin có thể bị chấm dứt sau 6 tháng.
Ông Zelensky cho biết ông muốn hiệp ước song phương của Ukraine với Washington bao gồm các mức viện trợ cụ thể. Ông nói: "Thỏa thuận này phải thực sự mẫu mực và phản ánh sức mạnh lãnh đạo của Mỹ".
Mỹ hiện là nước viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở quốc gia láng giềng. Sau một thời gian gián đoạn nửa năm, viện trợ của Mỹ được nối lại từ tuần trước sau khi chính phủ và quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới gần 61 tỷ USD cho Kiev.