1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine, Đức có thể ký thỏa thuận an ninh trong tháng này

Quốc Đạt

(Dân trí) - Đức và Ukraine có thể ký thỏa thuận an ninh song phương tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra trong các ngày 16-18/2, báo Frankfurter Allgemeine Zeitung đưa tin.

Ukraine, Đức có thể ký thỏa thuận an ninh trong tháng này - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Getty).

Trong bài viết hôm 2/2, Frankfurter Allgemeine Zeitung dẫn lời nguồn tin chính phủ cho biết, thỏa thuận giữa 2 nước sẽ được ký kết vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh.

Tờ báo dẫn lời bà Olga Stefanishyna, Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương, nói rằng phía phái đoàn Ukraine đã soạn thảo "dự thảo thỏa thuận về đảm bảo an ninh song phương" vào ngày hôm trước.

Văn kiện này "chưa được nhất trí, nhưng nhìn chung đã sẵn sàng", đồng thời cả Berlin và Kiev đều đồng ý rằng thỏa thuận cần được ký càng sớm càng tốt, bà Stefanishyna nói thêm.

Bà Stefanishyna cho biết, các bảo đảm trong thỏa thuận bao gồm yêu cầu cải cách đối với Ukraine, hỗ trợ tài chính trong vài năm, hợp tác công nghiệp - quân sự và hỗ trợ quân sự bền vững từ Đức.

Song song với việc tán dương vai trò ngày càng tăng của Đức trong hỗ trợ Ukraine, bà Stefanishyna lưu ý rằng Kiev "không phải lúc nào cũng hài lòng" với Berlin, đặc biệt là khi đối phương tỏ ra hoài nghi về nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine.

Vào cuối tháng 1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng vấn đề hiệp ước an ninh song phương "đóng vai trò lớn" trong cuộc điện đàm trước đó của mình với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Zelensky xác nhận mình đã thảo luận với Thủ tướng Đức về cam kết của Berlin đối với an ninh của Kiev.

Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine vào ngày 12/1, theo đó 2 nước cam kết bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công. Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tiết lộ kế hoạch có động thái tương tự trong tháng 2.

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7/2023, các nước G7 đã nhất trí thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh song phương cho Kiev.

Bình luận về quyết định này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó chỉ ra rằng dù "mọi quốc gia đều có quyền đảm bảo an ninh của mình", nó không nên phương hại đến các quốc gia khác.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bác bỏ thỏa thuận được ký giữa Anh và Ukraine.

"Tôi không thấy bất kỳ điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý nào trong tài liệu này, ngoại trừ việc Ukraine sẽ phải đứng lên bảo vệ Anh", ông Lavrov giải thích.

Theo RT, Ukrinform

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm