1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine lo phương Tây hối thúc đàm phán với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Ukraine đang lo ngại các đồng minh, đối tác phương Tây sẽ hối thúc nước này đối thoại với Nga khi cuộc chiến kéo dài gần hai năm.

Ukraine lo phương Tây hối thúc đàm phán với Nga - 1

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov (Ảnh: Getty).

"Ukraine lo ngại trước thực tế là các cuộc thảo luận giữa một số đối tác đã tăng cường đề nghị đàm phán, tham vấn, gặp gỡ với người Nga để thảo luận về các vấn đề cuộc chiến ở Ukraine, lệnh ngừng bắn", Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết ngày 20/11.

Tuy nhiên, ông Danilov khẳng định: "Ukraine và người dân Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng. Chúng tôi chắc chắn sẽ giành chiến thắng".

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax, ông Danilov cũng thừa nhận rằng Nga ngày càng tỏ ra thích ứng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực quốc phòng.

"Nga cho thấy khả năng chống chịu với các lệnh trừng phạt của phương Tây tốt hơn mong đợi. Nền kinh tế đất nước ngày càng chuyển sang trạng thái kinh tế thời chiến. Nga có thể tổng động viên sau bầu cử tổng thống năm 2024", ông Danilov nói.

Theo ông Danilov, cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm sau ở Nga có thể là mốc quan trọng đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ông dự đoán, Moscow nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh chiến dịch quân sự này nếu Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử, do vậy, Ukraine chỉ có 3-4 tháng để chuẩn bị đối phó với kịch bản đó.

Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh động viên một phần, huy động hơn 300.000 quân dự bị để tăng cường lực lượng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đến nay, Điện Kremlin khẳng định không có kế hoạch huy động quân mới.

Trong khi đó, ông Danilov cũng như các quan chức cấp cao khác của Ukraine nhấn mạnh, Ukraine cần thêm viện trợ của phương Tây để khôi phục đường biên giới năm 1991, giành lại các vùng lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát.

"Ukraine có đủ cơ hội để trở thành dự án chiến lược của phương Tây. Họ cần khẳng định tư cách là đối tác hàng đầu của chúng tôi", ông Danilov nói.

Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tục viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phương Tây bắt đầu hụt hơi, khó đáp ứng viện trợ lâu dài cho Ukraine.

NBC hồi đầu tháng này dẫn lời một số quan chức giấu tên của Mỹ cho hay, lãnh đạo Mỹ và châu Âu "đang âm thầm trao đổi với phía Ukraine về các cuộc đàm phán tiềm tàng với Nga nhằm chấm dứt xung đột".

"Các cuộc trao đổi này bao gồm những phác thảo rất rộng về những thứ mà Ukraine có thể cần nhượng bộ để đạt được thỏa thuận. Ukraine có thể chỉ còn thời gian đến cuối năm nay hoặc lâu hơn một chút trước khi buộc phải tiến hành các cuộc thảo luận khẩn cấp về hòa đàm", nguồn tin cho hay.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch phản công của Ukraine đã bước sang tháng thứ 6 nhưng không đạt được kết quả như kỳ vọng. Mặc dù vậy, Kiev tuyên bố sẽ không nhượng bộ Nga về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine