1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine lên tiếng về nguy cơ xung đột với Nga giữa lúc "nước sôi lửa bỏng"

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới chức Ukraine đã lên tiếng về khả năng xảy ra xung đột với Nga khi nước láng giềng đưa quân tập trung gần biên giới.

Ukraine lên tiếng về nguy cơ xung đột với Nga giữa lúc nước sôi lửa bỏng - 1

Xe tăng Nga khai hỏa trong cuộc tập trận vào tháng 1 (Ảnh: AP).

"Đừng tin những lời tiên đoán về ngày tận thế. Các chính phủ khác nhau sẽ có những kịch bản khác nhau, nhưng Ukraine sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter hôm 6/2.

"Ngày nay, Ukraine có quân đội mạnh mẽ, sự ủng hộ quốc tế chưa từng có và niềm tin của người dân Ukraine vào đất nước của họ. Kẻ thù nên sợ hãi chúng tôi", Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh.

Tuyên bố của nhà ngoại giao Ukraine được đưa ra sau khi giới chức Mỹ cảnh báo, lực lượng Nga tập trung ở biên giới Ukraine đang gia tăng với tốc độ đủ để cho phép nước này thực hiện chiến dịch quân sự toàn diện - với sự tham gia của khoảng 150.000 binh sĩ - vào giữa tháng 2.

Phía Mỹ cho rằng Nga đã tập hợp 110.000 quân dọc theo biên giới Ukraine, nhưng tình báo Mỹ không thể xác định liệu Tổng thống Vladimir Putin có thực sự quyết định "động binh" với nước láng giềng hay không.

Nga cho đến nay vẫn khẳng định không có kế hoạch hành động quân sự với Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cũng tuyên bố Nga được phép điều động lực lượng trên lãnh thổ của mình nếu cảm thấy phù hợp.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak khẳng định, "cơ hội tìm ra giải pháp ngoại giao để giảm leo thang về cơ bản vẫn cao hơn nguy cơ gia tăng thêm căng thẳng".

Ukraine, với sự hậu thuẫn của một số đồng minh châu Âu, liên tục tìm cách giảm bớt lo ngại về một cuộc xung đột có thể xảy ra với Nga. Ukraine muốn tránh gây tổn hại cho nền kinh tế vốn gặp khó khăn của nước này.

Ông Podolyak cho biết các động thái mới nhất của Nga "không có gì bất ngờ", khi Moscow gây sức ép lên Kiev bằng cách thường xuyên tiến hành các đợt luân chuyển quân, tổ chức diễn tập và triển khai vũ khí quy mô lớn sau đợt điều quân tới gần biên giới Ukraine vào mùa xuân năm ngoái.

"Hoạt động như vậy của Nga sẽ kéo dài bao lâu và được duy trì với mục đích gì? Chỉ Điện Kremlin mới có thể biết câu trả lời chính xác cho câu hỏi này", ông Podolyak nói.

Các quan chức Mỹ cho rằng Tổng thống Putin có tất cả lựa chọn trong khả năng của mình: từ một chiến dịch với quy mô hạn chế ở vùng Donbas của Ukraine cho đến một cuộc xung đột quy mô toàn diện. 

Giới chức Mỹ ước tính một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ khiến 25.000-50.000 dân thường thiệt mạng, cùng với 5.000-25.000 binh lính Ukraine và 3.000-10.000 lính Nga tử vong. Ngoài ra, các quan chức Mỹ dự đoán, một cuộc xung đột cũng sẽ gây ra làn sóng tị nạn từ 1-5 triệu người, chủ yếu vào Ba Lan.

Tổng thống Joe Biden đã quyết định điều lực lượng Mỹ tới Ba Lan để bảo vệ các thành viên NATO, trong bối cảnh các nhà ngoại giao vẫn đang chạy đua để thuyết phục Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine. Đơn vị lính Mỹ đầu tiên đã tới Ba Lan hôm 5/2.

Trong khi đó, Nga cũng đang tiến hành tập trận quân sự chung với Belarus, nước láng giềng với Ukraine. Nga liên tục đưa máy bay ném bom tầm xa tuần tra trên lãnh thổ Belarus, quốc gia có biên giới chung với các thành viên NATO gồm Ba Lan, Lithuania và Latvia.

Theo www.france24.com