1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đức nêu điều kiện tiên quyết cho hòa đàm Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Bất cứ hòa đàm nào giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt xung đột chỉ bắt đầu khi Moscow đồng ý rút quân, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu quan điểm.

Đức nêu điều kiện tiên quyết cho hòa đàm Nga - Ukraine - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

"Theo tôi, ông Putin cần hiểu rằng chiến dịch quân sự của Nga sẽ không thành công và rằng ông ấy phải rút quân. Đó là điều kiện cơ bản để đàm phán hòa bình", Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời phỏng vấn CNN trong chương trình được phát sóng ngày 5/3.

Ông cũng cho rằng, phía Ukraine đã đưa ra đề xuất và "sẵn sàng đàm phán", vấn đề hiện giờ là Nga có chấp nhận và sẵn sàng tiến tới hòa đàm hay không.

Trả lời câu hỏi liệu có xảy ra kịch bản Ukraine sẽ chấp nhận không giành lại Crimea hay một phần lãnh thổ miền Đông để đổi lấy hòa bình hay không, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: "Mọi quyết định phụ thuộc vào người Ukraine. Chúng tôi không thể thay họ đưa ra quyết định. Chúng tôi chỉ ủng hộ họ".

Nhà lãnh đạo Đức thừa nhận rằng xung đột kéo dài hơn một năm qua đã rơi vào bế tắc và khiến Ukraine hứng tổn thất lớn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, ông không thúc ép Ukraine đưa ra bất cứ thỏa hiệp không thỏa đáng nào. Ngoài ra, theo ông, Nga đã đánh giá sai tiềm lực của Ukraine cũng như sự đoàn kết của phương Tây nhằm đối phó chiến dịch quân sự do Moscow khởi xướng.

Thủ tướng Đức khẳng định: "Rất khó để đoán định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Ukraine, nhưng chắc chắn là chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ tài chính, nhân đạo và khí tài quân sự cho Ukraine". Ông cho biết, phương Tây sẵn sàng cân nhắc đưa ra đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng chỉ trong thời bình.

"Chúng tôi đã nói với Ukraine rằng họ có thể nộp đơn gia nhập Liên minh châu Âu. Họ đang nỗ lực để đạt một số tiến triển và thực hiện những tiêu chuẩn cho việc gia nhập này. Tôi nghĩ họ hiểu chúng tôi sẵn sàng đưa ra đảm bảo an ninh trong thời bình, nhưng hiện giờ chúng ta chưa đạt được điều đó", nhà lãnh đạo Đức nói.

Đầu tuần này, báo Wall Street Journal đưa tin, Anh, Đức và Pháp đã đề nghị Ukraine đạt được thỏa thuận xích lại gần Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho phép nước này tiếp cận nhiều hơn với các thiết bị quân sự của phương Tây, nhưng đồng thời sẽ liên quan đến việc nối lại đàm phán với Nga.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai, song tiếp tục chiều hướng căng thẳng. Hai bên chưa thể nối lại hòa đàm do mâu thuẫn về điều kiện đàm phán. Moscow tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Kiev chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ", nghĩa là công nhận Crimea và 4 vùng mới sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Ukraine khẳng định, sẽ không có bất cứ đàm phán nào nếu Nga không rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, nhấn mạnh tiếp tục viện trợ để Ukraine giành ưu thế trên chiến trường, từ đó có ưu thế trên bàn đàm phán với Nga.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine