1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine không chấp nhận tối hậu thư, tuyên bố tiếp tục chiến đấu

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố nước này sẽ tiếp tục chiến đấu và không đầu hàng, nhưng cũng sẵn sàng đàm phán.

Ukraine không chấp nhận tối hậu thư, tuyên bố tiếp tục chiến đấu - 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào và đầu hàng", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu hôm 12/3, đồng thời chỉ trích Nga đưa ra những yêu cầu "không thể chấp nhận được".

Ông Kuleba cho biết tính mạng dân thường sẽ được cứu nếu Ukraine có thêm máy bay chiến đấu và máy bay tấn công để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức.

Một quan chức chính quyền Pháp cho biết, Tổng thống Putin không thể hiện thiện chí chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Theo người phát ngôn của chính phủ Đức, trong cuộc điện đàm kéo dài 75 phút với nhà lãnh đạo Nga, ông Scholz và ông Macron đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố, các cuộc đàm phán nên bắt đầu bằng việc chấm dứt các hành động xung đột.

Theo thông báo của Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã thông báo ngắn gọn cho Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz về tình trạng hiện nay của các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev, đồng thời phản hồi những lo ngại về tình hình nhân đạo ở Ukraine. Tuy nhiên, thông báo của Điện Kremlin không đề cập đến lệnh ngừng bắn và cáo buộc Ukraine sử dụng dân thường làm lá chắn.

Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin cáo buộc lực lượng Ukraine vi phạm luật nhân đạo quốc tế trên nhiều mặt, bao gồm triển khai vũ khí hạng nặng trong các khu dân cư, bên ngoài bệnh viện, trường học, nhà trẻ và các nơi khác.

"Ông Vladimir Putin kêu gọi ông Emmanuel Macron và ông Olaf Scholz gây ảnh hưởng lên chính quyền Kiev để chấm dứt các hành động như vậy", thông báo cho biết thêm.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/3 cho biết vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Trước đó, hai phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine đã gặp nhau 3 lần tại Belarus để thảo luận trực tiếp. Ngoại trưởng Nga và Ukraine cũng đã có cuộc gặp gần đây.

Tuy nhiên, ngoài việc đạt được một số đồng thuận về việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các khu vực chiến sự, hai bên không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào sau các cuộc đàm phán.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga tại Jerusalem. Ông Zelensky hy vọng Thủ tướng Israel Naftali Bennett sẽ có "tác động tích cực" đến các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Thủ tướng Bennett đã đến thăm Moscow hôm 5/3, dành 3 giờ hội đàm với Tổng thống Putin trước khi đến Berlin để gặp Thủ tướng Scholz. Ông Bennett đã nhiều lần trao đổi với Tổng thống Ukraine.

Tổng thống Zelensky ngày 12/3 cho biết Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột.

"Một nhóm đại diện của Ukraine và Nga đang thảo luận về một số vấn đề. Họ đã bắt đầu trao đổi, chứ không chỉ đưa ra tối hậu thư", ông Zelensky cho biết.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky nói rằng, nếu kết quả đàm phán thành công, Ukraine vẫn cần "đảm bảo an ninh" để cuộc xung đột đang diễn ra được giải quyết không chỉ từ quan điểm của Nga mà còn từ phương Tây. Ông gợi ý rằng Israel có thể đóng vai trò là bên bảo đảm an ninh như vậy.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine