Ukraine kêu gọi NATO "cởi trói" hoàn toàn cho vũ khí viện trợ
(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo NATO dỡ bỏ mọi hạn chế liên quan tới việc cho phép Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây.
NATO đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh ở Washington để thể hiện quyết tâm ủng hộ Ukraine. Tại đây, Ukraine đã nhận được lời hứa về việc viện trợ hệ thống phòng không mới. Các đồng minh cũng bắt đầu chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 đã được hứa hẹn từ lâu cho Ukraine.
Tuy nhiên, ông Zelensky kêu gọi các nước ủng hộ Kiev, đặc biệt là Mỹ, tiến xa hơn bao gồm cả việc cho phép lực lượng của nước này tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga.
Ông nói: "Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng, nếu chúng ta muốn chiếm ưu thế, nếu chúng ta muốn cứu và bảo vệ mình, chúng ta cần dỡ bỏ mọi giới hạn".
Các đồng minh chủ chốt như Mỹ và Đức đã nới lỏng các điều kiện đối với việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga hồi tháng 5 nhằm đáp trả cuộc tấn công của Moscow vào Kharkov, thành phố thứ hai Ukraine.
"Cách duy nhất để tấn công những mục tiêu quân sự, bệ phóng tên lửa hoặc sân bay đang tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine là tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, bởi vì tiền tuyến và đường biên giới ít nhiều đều giống nhau", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Tuy nhiên, phương Tây vẫn giữ một số giới hạn về tầm tấn công và hoàn cảnh mà Kiev có thể tấn công. Ví dụ, Mỹ chỉ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do họ viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, sát biên giới Ukraine.
Phương Tây liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm. Tùy theo tình hình trên chiến trường, các nước này cũng nới dần các hạn chế đối với chính sách viện trợ cho Kiev, đồng ý cấp vũ khí tầm xa, cam kết chuyển máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này, các đồng minh của NATO đã đưa ra gói viện trợ mới cho Ukraine, bao gồm cam kết bổ sung thêm hệ thống tên lửa Patriot. Ông Zelensky cho biết ông hy vọng hệ thống phòng không này, bao gồm cả hệ thống Patriot mới của Mỹ, được chuyển giao "càng sớm càng tốt".
Tuy vậy, giới lãnh đạo NATO một lần nữa đã làm ông Zelensky thất vọng khi từ chối đưa ra lời mời rõ ràng để Ukraine tham gia liên minh của họ.
Dù vậy, các nhà lãnh đạo gọi con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine là "không thể đảo ngược". Họ cũng cam kết sẽ hỗ trợ quân sự cho Kiev ít nhất 40 tỷ euro trong năm tới.
Mỹ hôm 10/7 cũng thông báo sẽ bắt đầu "triển khai từng đợt" tên lửa tầm xa tới Đức vào năm 2026 để chuẩn bị cho quá trình lắp đặt lâu dài tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh có tầm bắn xa hơn khả năng hiện tại ở châu Âu.
Moscow gọi bước đi của Mỹ là một động thái gây leo thang căng thẳng nhằm đe dọa Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga sẽ có "phản ứng quân sự" với động thái này của Mỹ và đồng minh.