1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine giành lại 300km2 lãnh thổ trong chiến dịch phản công

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine cho biết, tốc độ phản công của quân đội nước này chậm hơn dự kiến, mục tiêu giành lại lãnh thổ còn hạn chế, nhưng điều này giúp Ukraine giảm thương vong.

Ukraine giành lại 300km2 lãnh thổ trong chiến dịch phản công - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa một hệ thống rocket ở Donetsk hôm 11/8 (Ảnh: Reuters).

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 17/9 cho biết, quân đội nước này đã giành lại khoảng 300km2 lãnh thổ trong chiến dịch phản công bắt đầu từ tháng 6.

Bà Maliar thừa nhận chiến dịch phản công đang diễn ra chậm hơn mong đợi nhưng điều này là cần thiết nhằm giúp Ukraine hạn chế thương vong.

"Đi ngược lại khoa học quân sự, Ukraine đã bắt đầu cuộc phản công khi đối phương đang có nhiều binh sĩ và vũ khí hơn. Theo lý thuyết quân sự, chỉ nên phản công khi chiếm ưu thế, nhưng chúng tôi lại không trong tình thế đó. Vì vậy, chúng tôi phải chiến đấu như thể đang chiếm ưu thế", bà Maliar nói.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh thêm: "Kết quả không phải đo bằng số km2 lãnh thổ giành lại mà là lực lượng của chúng tôi có thể tiến công như thế nào trong những điều kiện như vậy".

Bà Maliar cũng tuyên bố, tổn thất của phía Nga ở chiến trường miền Đông cao gấp 8 lần của Ukraine.

Bà nhấn mạnh, chiến dịch phản công của Ukraine "đang diễn ra theo đúng kế hoạch", nhưng Ukraine cần thêm sự hỗ trợ quốc tế, cần thêm vũ khí, đạn dược.

"Người dân Ukraine rất biết ơn mọi sự hỗ trợ từ các nước phương Tây. Chúng tôi nhận ra rằng chiến thắng của chúng tôi là không thể nếu không có sự giúp đỡ từ phương Tây", bà nói.

Bà Maliar tin rằng dù đối mặt rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng Ukraine cũng sẽ đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.

"Chúng tôi tin vào chiến thắng… Chúng tôi sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố.

Trong một diễn biến liên quan khác, trả lời phỏng vấn CBS cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa khẳng định sẽ không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.

Ông thừa nhận chiến dịch phản công không diễn ra nhanh chóng như mong đợi, nhưng Ukraine sẽ tiếp tục tiến công bất kể thời tiết bất lợi.

"Chúng tôi cần giành lại lãnh thổ nhiều nhất có thể và tiến về phía trước, dù là nửa km. Chúng ta không được lãng phí thời gian. Hãy quên thời tiết đi", ông nói và giải thích thêm rằng khi bộ binh không thể di chuyển trong địa hình lầy lội, Ukraine sẽ thực hiện nhiều hơn nữa các vụ tập kích bằng máy bay không người lái.

Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cuối tuần qua cũng khẳng định chiến dịch phản công của Ukraine thành công, minh chứng là việc Kiev đã chọc thủng phòng tuyến đầu tiên của Nga. "Ukraine hoàn toàn nắm thế chủ động", ông Podolyak nói.

Ukraine lo phương Tây giảm viện trợ

Ukraine giành lại 300km2 lãnh thổ trong chiến dịch phản công - 2

Người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov (Ảnh: Getty).

Đằng sau sự lạc quan đó, giới chức Ukraine đang lo ngại sự hỗ trợ của phương Tây sẽ giảm dần nếu như Kiev không đạt được đột phá trên chiến trường. Họ cũng lo ngại những thông tin trái chiều về cuộc phản công hiện nay của Ukraine khiến phương Tây dao động.

Người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cáo buộc một số cơ quan truyền thông phương Tây có uy tín và ảnh hưởng lớn đã xuất bản tài liệu cho thấy cuộc phản công mùa hè của Ukraine đang thất bại, quân đội Kiev không thể giành lại lãnh thổ từ Nga và nguồn lực của Moscow là "vô hạn".

Ông Danilov nói thêm rằng những quan điểm này khiến viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev bị chậm lại, đồng thời cản trở "công thức hòa bình" của Ukraine.

Theo ông, giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev, vốn đã kéo dài hơn một năm rưỡi qua, là giải pháp quân sự. Ông viết: "Công thức hòa bình là công thức vũ khí".

Ông Danilov kêu gọi phương Tây ngăn chặn tâm lý hoài nghi về triển vọng của Ukraine. Ông nói rằng phương Tây nên tạo ra "công thức thống nhất về triển vọng chiến thắng của Ukraine". Ông cho rằng nên biến "việc viện trợ quân sự cho Ukraine thành luật" bởi các cuộc bầu cử có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của mối quan hệ đối tác" giữa Ukraine và phương Tây.

Vị quan chức này cho hay Mỹ và các đồng minh cũng nên "phát triển và thực hiện một loạt các biện pháp nhằm giải quyết tâm lý "mệt mỏi vì chiến tranh".

Bình luận của ông Danilov được đưa ra trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine đã kéo dài hơn ba tháng. Cuộc phản công này cho đến nay vẫn chưa mang lại bất kỳ thay đổi đáng kể nào ở tiền tuyến nhưng lại khiến quân đội Kiev chịu tổn thất nặng nề khi họ cố gắng xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga.

Nhiều kênh phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa tin về tâm lý hoài nghi ngày càng tăng của giới chức phương Tây liên quan tới triển vọng của chiến dịch phản công này. New York Times hồi tháng 8 đưa tin, quan chức Mỹ và Anh đang cảm thấy bối rối trước chiến thuật của Kiev, trong khi Wall Street Journal cho biết Washington sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2024.

Trong khi đó, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg ngày 17/9 cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ không kết thúc nhanh chóng.

"Hầu hết các cuộc chiến đều kéo dài hơn dự kiến khi mới bắt đầu. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine", ông nói. Theo ông, "nếu Tổng thống Zelensky và người Ukraine ngừng chiến đấu, đất nước của họ sẽ không còn tồn tại".

Về tham vọng gia nhập liên minh NATO của Ukraine, ông Stoltenberg nói, Ukraine cuối cùng chắc chắn sẽ được gia nhập NATO. Vị quan chức này cho biết Kiev đã tiến gần hơn đến NATO tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7.

"Khi cuộc xung đột này kết thúc, chúng tôi cần đảm bảo an ninh cho Ukraine. Nếu không, lịch sử có thể lặp lại", ông nói thêm.

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 ở Vilnius, các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý rằng Ukraine có thể gia nhập liên minh một khi họ đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Các quan chức Mỹ và Đức đã nói rõ rằng những điều này sẽ bao gồm việc Kiev thực hiện các cải cách để bảo vệ nền dân chủ và pháp quyền.

Cho đến nay, Moscow nhiều lần bày tỏ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, miễn là nó mang lại lợi ích cho nước này và "tình hình thực tế trên chiến trường" được tôn trọng.

Tuy nhiên, ông Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cũng nhấn mạnh vào "công thức hòa bình" của riêng mình, bao gồm việc Nga rút quân khỏi tất cả vùng lãnh thổ của Ukraine, bồi thường cho Kiev…

Theo Pravda, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm