Ukraine gặp khó khi đồng minh chủ chốt dừng viện trợ quân sự
(Dân trí) - Slovakia, nước láng giềng nhỏ bé phía đông Ukraine, đã hào phóng quyên góp kho vũ khí thời Liên Xô và chào đón những người tị nạn Ukraine sau khi xung đột bùng nổ. Tuy nhiên, mọi thứ nay đã khác.
Nhà báo Asami Terajima của Kyiv Independent viết, cuộc bầu cử gần đây đã trao cho nhà dân túy Robert Fico nhiệm kỳ Thủ tướng Slovakia thứ tư, ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 25/10. Nữ nhà báo cho rằng, một trong những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của Ukraine dường như đã xảy ra: đồng minh chủ chốt tuyên bố ngừng viện trợ quân sự.
Trái ngược với chính phủ tiền nhiệm ủng hộ Ukraine nhiệt thành được bổ nhiệm vào tháng 5 sau cuộc khủng hoảng liên minh, ông Fico tuyên bố sẽ không gửi "một viên đạn nào" tới Ukraine.
"Tôi sẽ ủng hộ viện trợ quân sự bằng 0 cho Ukraine", Thủ tướng Fico nói vào ngày 26/10, nhất quán với những gì ông đã nói trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông tin rằng, "EU nên thay đổi từ nhà cung cấp vũ khí thành nhà kiến tạo hòa bình".
Thủ tướng Fico đã phản đối các biện pháp trừng phạt đối với Nga kể từ trước cuộc xung đột Ukraine bùng nổ. Ông tuyên bố rằng viện trợ quân sự sẽ chỉ kéo dài chiến tranh và nhấn mạnh vào các cuộc đàm phán hòa bình, vì "giết chóc thêm sẽ không giúp được ai".
Rõ ràng, sự trở lại của ông được cho là tin không vui đối với Kiev.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Martin Sklenar nói với Kyiv Independent rằng, việc thiếu hiểu biết về mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột và sự suy giảm hỗ trợ dành cho Ukraine có thể là "thảm họa đối với an ninh của Slovakia".
Nhưng cựu Bộ trưởng Sklenar cho biết, ông hy vọng việc viện trợ sẽ được tiếp tục vì những lý do thực dụng, mặc dù việc tổ chức sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Thông điệp của ông Fico phản ánh cuộc thăm dò dư luận năm 2023 của tổ chức tư vấn bảo mật Globsec có trụ sở tại Bratislava. Trong đó, 69% người có niềm tin cho rằng việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine là khiêu khích Nga và đưa xung đột đến gần hơn. Chỉ 40% đổ lỗi cho Nga về chiến sự.
Một số người dần tin rằng "ít vũ khí hơn sẽ tạo nên hòa bình hơn". Nhưng ông Sklenar nói, thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Ông Sklenar nói: "Chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi làm mọi thứ trong khả năng của mình để đẩy nguy cơ (chiến sự) đó ra xa Slovakia nhất có thể... Nếu Ukraine ổn định, an toàn và thịnh vượng thì đó là tình hình tốt nhất mà Slovakia có thể đạt được".
Ông nói, tăng cường sức mạnh cho Ukraine là cách tốt nhất để ngăn chặn chiến tranh đến với Slovakia.
Dừng viện trợ quân sự: Giáng đòn mạnh vào Ukraine
Slovakia là một trong số ít quốc gia đứng trước nguy cơ cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine do vấn đề chính trị nội bộ.
Trước đó, đóng góp của họ là đáng kể. Theo Viện Kiel có trụ sở tại Đức, Slovakia đã cam kết chi 680 triệu euro (734 triệu USD) cho 13 gói viện trợ quân sự. Đây là quốc gia đầu tiên cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 và cùng Ba Lan gửi tiêm kích MiG-29 đầu tiên.
So sánh tỷ lệ với GDP, viện trợ của Slovakia thuộc hàng cao nhất, đứng thứ 6 về tổng thể.
Theo ông Sklenar, Slovakia không còn MiG-29 để viện trợ nhưng nước này vẫn có thêm xe tăng T-72 và đạn dược từ thời Liên Xô để cung cấp, một khi các đồng minh NATO có thể thay thế chúng.
Và bất chấp lập trường cứng rắn của tân thủ tướng đối với bất kỳ khoản viện trợ quân sự nào cho Ukraine, Sklenar cho biết, ông vẫn mong đợi viện trợ quân sự sẽ tiếp tục dưới hình thức nào đó, mặc dù nó có thể "ít thường xuyên hơn, ít rõ ràng hơn" và mất nhiều thời gian hơn để tổng hợp lại.
Ông ám chỉ rằng "có những quốc gia khác đã làm điều tương tự trong quá khứ vì nhiều lý do khác nhau, cả vì lý do an ninh hoặc chính trị", mà không nêu tên họ.
Guardian dẫn lời cựu Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov và Bộ trưởng Tài chính Asen Vasilev cho biết, Bulgaria đã bí mật gửi đạn và nhiên liệu tới Ukraine, mặc dù công khai từ chối yêu cầu viện trợ của Kiev.
Tuy vậy, ông Fico cho biết ngày 6/11, chính phủ của ông sẽ không ngăn cản việc bán vũ khí từ các công ty Slovakia cho Ukraine.
"Nếu công ty nào đó muốn sản xuất vũ khí và xuất khẩu chúng đi đâu đó, tất nhiên sẽ không có ai ngăn cản điều đó", ông Fico nói sau cuộc gặp với tân Bộ trưởng Quốc phòng Robert Kalinak.
Sklenar cho biết trong thời gian Fico nắm quyền, hợp tác quốc phòng Ukraine-Slovakia dự kiến sẽ tiếp tục.
Slovakia là một trong số ít quốc gia NATO bắt đầu hợp tác với Ukraine để cùng sản xuất những loại vũ khí rất cần thiết.
Cùng với nhà sản xuất tư nhân Ukraine, Doanh nghiệp máy công cụ hạng nặng Kramatorsk (KZVV), Konstrukta-Defence thuộc sở hữu của Slovakia đang hợp tác phát triển mẫu pháo tự hành 155mm mới, dựa vào nền tảng kỹ thuật của Slovakia và thông tin đầu vào từ chiến trường của Ukraine. Thời gian thực hiện dự án vẫn chưa được tiết lộ.
Cùng với các đồng minh khác, Slovakia đã tăng cường sản xuất đạn dược trong nước trong năm nay cho Ukraine và chính nước này.
"Cơn địa chấn chính trị"
Lần gần đây nhất ông Fico giữ chức thủ tướng là vào năm 2018 cho đến khi ông bị buộc phải từ chức. Giờ đây, Fico đã trở lại và các chính sách của ông có thể gây ra một "cơn địa chấn chính trị" đẩy đất nước về phía Nga, Quỹ Marshall của Đức nhận định vào đầu tháng này.
"Chúng tôi là một đất nước nhỏ... Chúng ta thực sự không thể sống và thịnh vượng trong một thế giới mà những kẻ mạnh hơn có quyền và chúng tôi thực sự không muốn cho phép thế giới rơi vào tình trạng này", cựu Bộ trưởng quốc phòng Sklenar nói.
Thủ tướng Fico hứa sẽ phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Ông hứa sẽ tập trung lại vào các vấn đề nội bộ và kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình, điều này có lợi cho Nga, quốc gia hiện đang kiểm soát những khu vực quan trọng ở Ukraine.
Ông Sklenar cho rằng Ukraine nên là bên khởi xướng các cuộc đối thoại với sự ủng hộ của phương Tây.
Cựu Bộ trưởng quốc phòng nói: "Trong mọi trường hợp, cần phải có đàm phán ngoại giao... Câu hỏi đặt ra là khi nào nên bắt đầu và các điều kiện thực tế sẽ như thế nào khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Đây là quan điểm của chúng tôi".
Ông Sklenar cho biết: "Ukraine đã cho chúng tôi thấy rằng họ là những người bảo vệ kiên cường".
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ việc Ukraine giành lại tất cả lãnh thổ của mình là thực tế hay không, cựu bộ trưởng Sklenar nói rằng, "các cuộc đàm phán sẽ cho thấy liệu có thể tái lập lại các đường biên giới của Ukraine theo hình thức năm 1991 hay không. Và để làm được điều đó, chúng ta cần xem cuộc phản công thành công như thế nào".