1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine: Đừng buộc chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine cho rằng, đề xuất hòa bình mà các bên đưa ra gần đây có lợi cho Nga nhiều hơn, do vậy Kiev không muốn bị buộc ngồi vào bàn đàm phán.

Ukraine: Đừng buộc chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán - 1

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine Oleksii Danilov (Ảnh: Pravda).

"Mục tiêu của Nga vẫn không thay đổi, đó là phá hủy Ukraine, những đề xuất giải quyết xung đột một cách hòa bình đưa ra gần đây không gì khác hơn là ý tưởng thân Nga", Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine Oleksii Danilov bình luận trên Facebook ngày 23/4.

Quan chức này nhấn mạnh: "Đừng buộc chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán, mà hãy cấp đủ vũ khí cho chúng tôi".

Bình luận được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia ngỏ ý sẵn sàng làm trung gian hòa giải nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Hồi tháng 2, Trung Quốc đưa ra đề xuất hòa bình gồm 12 điểm, trong đó có yêu cầu các bên ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán. Kế hoạch này nhận được  ủng hộ của Nga, nhưng vấp phải sự phản đối của phương Tây. Mỹ và các đồng minh cho rằng đề xuất của Bắc Kinh dường như vẫn thiên về lập trường có lợi hơn cho Nga.

Ngoài Trung Quốc, Brazil cũng phát tín hiệu sẵn sàng đảm nhận vai trò trung gian hòa giải. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đưa ra ý tưởng thiết lập cơ chế tương tự G20 gồm các nước thúc đẩy đàm phán hòa bình ở Ukraine. Theo ông, cả Nga, Ukraine đều không có bước đi khả quan nào nhằm chấm dứt xung đột. "Tất cả họ nên ngồi vào bàn đàm phán và nói: Thế là quá đủ rồi", ông Silva kêu gọi.

Tuy nhiên, ông bị phương Tây chỉ trích vì cho rằng Ukraine cũng phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Đáp lại, Tổng thống Lula nói, ông không muốn "làm hài lòng bất kỳ ai" khi đưa ra quan điểm về xung đột Nga - Ukraine.

"Brazil muốn tìm cách kiến tạo hòa bình. Chấm dứt xung đột trên bàn đàm phán sẽ tốt hơn trên chiến trường. Chiến tranh chỉ phá hủy, chứ không xây dựng bất cứ thứ gì", Tổng thống Lula nhấn mạnh.

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tuần qua nhà lãnh đạo Brazil kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Trước đó, hôm 15/4, trong chuyến thăm Trung Quốc, ông nói: "Điều quan trọng là chúng ta cần kiên nhẫn đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky".

Ông cho biết, ông sẽ từ chối thăm Nga hay Ukraine cho đến khi một trong hai bên có những động thái rõ ràng tiến tới chấm dứt xung đột.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn một năm và tiếp tục leo thang. Hai bên được cho là đều đang chuẩn bị cho một trận chiến mang tính quyết định, phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường. Kiev đang kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng tốc và tăng quy mô viện trợ khí tài để giúp Ukraine phản công trong mùa xuân hoặc mùa hè.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, một liên minh gồm 54 quốc gia hỗ trợ Kiev chống lại Nga, đã chuyển giao hơn 230 xe tăng và 1.550 xe bọc thép cho Ukraine chỉ trong vài tháng. Ông Austin cũng nhấn mạnh, Kiev đã nhận thiết bị, đạn dược cho hơn 9 lữ đoàn thiết giáp mới thành lập để chuẩn bị cho kế hoạch phản công nhằm đẩy lùi Nga khỏi các vùng lãnh thổ.

Tuy vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Melnyk nói, nước này cần số vũ khí gấp 10 lần viện trợ hiện nay của phương Tây để có thể chấm dứt xung đột trong năm 2023.

Theo Pravda, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine