Ukraine đối mặt thảm họa nếu Mỹ cắt viện trợ
(Dân trí) - Ukraine có thể không còn vũ khí cần thiết cho mặt trận nếu Mỹ cắt viện trợ.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa (Ảnh: Reuters).
Trả lời phỏng vấn báo Politico, cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thừa nhận việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev hiện là sức ép lớn nhất với chính quyền Ukraine.
Theo ông, lời đe dọa cắt viện trợ quân sự của chính quyền Tổng thống Trump đã đánh vào điểm yếu nhất của Kiev là sự phụ thuộc lớn vào các đối tác nước ngoài.
Về cơ bản, cựu Bộ trưởng thừa nhận sự phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ đã đạt đến mức nghiêm trọng và nếu không có viện trợ này, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ không thể giữ vị thế trong cuộc xung đột với Nga.
Ông cảnh báo, trong vòng 6 tháng, tình trạng thiếu đạn dược và thiết bị sẽ trở thành hiện thực nếu Mỹ cắt nguồn viện trợ.
Cuối năm ngoái, ông Kuleba cũng từng cảnh báo, nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, tiền tuyến ở Donbass, miền Đông Ukraine có nguy cơ sụp đổ và lực lượng Moscow sẽ tiến đến cửa ngõ của các thành phố lớn như Dnipro và Zaporizhia.
Theo Reuters, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng trước, nguồn cung vũ khí từ Mỹ cho Ukraine đã chậm lại, mặc dù một số lô hàng được chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden phê duyệt trước đó vẫn đang đến Kiev.
Báo Wall Street Journal dẫn nhận định của các quan chức và cựu quan chức phương Tây cũng cho biết, Ukraine chỉ đủ vũ khí để tiếp tục chiến đấu với nhịp độ hiện nay cho đến mùa hè này nếu không có thêm viện trợ của Mỹ.
Họ lo ngại đến mùa hè, Ukraine có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và không thể sử dụng một số loại vũ khí tiên tiến nhất.
Châu Âu đang chuẩn bị cố gắng lấp đầy khoảng trống. Các quan chức cho biết, Liên minh châu Âu, Anh và Na Uy đã cung cấp khoảng 25 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2024, nhiều hơn số tiền mà Washington viện trợ cho Ukraine trong năm đó. Châu lục này đã tăng đáng kể việc sản xuất đạn pháo. Giới lãnh đạo khu vực đang thảo luận để tăng viện trợ của EU lên 30 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, người đứng đầu công ty Rheinmetall của Đức, Armin Papperger, cho biết các kho vũ khí ở châu Âu và Ukraine thực tế trống rỗng và việc bổ sung trong những tháng tới là không thể. Điều này đặt lực lượng vũ trang Ukraine vào tình thế cực kỳ dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong bối cảnh quân đội Nga đã đạt được những bước tiến trên các mặt trận.
Mỹ là một trong những nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022.
Khi được hỏi về khả năng chiến đấu của Ukraine nếu không có viện trợ của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, kịch bản đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phòng thủ của Ukraine.
"Ukraine sẽ yếu hơn, và tôi cũng không chắc liệu chúng tôi có giữ được lãnh thổ hay không", ông Zelensky nói.