1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine đối mặt áp lực tứ phía trước loạt diễn biến bất lợi

Đức Hoàng

(Dân trí) - Newsweek nhận định, các tin tức và diễn biến bất lợi đang gây ra áp lực cả từ bên trong lẫn bên ngoài cho Ukraine khi cuộc chiến với Nga đã kéo dài hơn 21 tháng.

Ukraine đối mặt áp lực tứ phía trước loạt diễn biến bất lợi - 1

Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến (Ảnh: Getty).

Đầu tuần này, quốc gia NATO Bulgaria từ chối chuyển 100 xe bọc thép cho Ukraine vì nước này cần những xe này để triển khai ra biên giới.

Động thái của Bulgaria đến trong bối cảnh Ukraine đang nỗ lực để kêu gọi các đồng minh phương Tây duy trì sự hỗ trợ khi tâm lý mệt mỏi vì chiến sự đã xuất hiện và cuộc chiến Israel - Hamas cũng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Đây là diễn biến mới nhất trong loạt tin tức bất lợi mà Ukraine phải đối mặt. Trong những tuần gần đây, người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine thừa nhận chiến sự đã bế tắc và diễn biến này có lợi cho Nga.

Mặt khác, Moscow thông báo tăng quy mô quân đội, đồng thời vẫn tăng cường sản xuất vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt. Ngoài ra, một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng nội bộ của Ukraine là Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko công khai nói rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "đang phạm sai lầm".

Vuk Vuksanovic, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London, LSE IDEAS (Anh), nói với Newsweek: "Ukraine đang đối mặt với khoảng thời gian khó khăn trước mắt khi cả giới tinh hoa và xã hội phương Tây đều đã tỏ ra mệt mỏi vì chiến sự".

Bên viện trợ lớn nhất cho Ukraine, Mỹ, đang vướng vào các tranh cãi nội bộ trong việc ủng hộ cho Ukraine. Một bộ phận nghị sĩ cực hữu phản đối việc viện trợ thêm cho Kiev, dẫn tới việc người đứng đầu cơ quan ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young cảnh báo tới cuối năm, tiền viện trợ cho Ukraine sẽ cạn kiệt nếu Quốc hội không thông qua khoản chi mới.

Peter Rough, thành viên cấp cao và giám đốc Trung tâm Châu Âu và Á-Âu tại Viện Hudson (Mỹ), nói với Newsweek: "Khi mùa đông đã đến, cuộc chiến đang bước vào giai đoạn quan trọng đối với Ukraine. Bây giờ không phải là lúc thích hợp để sự hỗ trợ của phương Tây sụt giảm hoặc để các nhà hoạch định chính sách phương Tây lưỡng lự về viện trợ bổ sung cho Ukraine".

Mỹ tháng trước thông báo rằng sẽ hoãn cung cấp bom tầm xa GLSDB cho Ukraine. Đức vẫn tỏ ra ngần ngại dù Ukraine nhiều lần kêu gọi cung cấp tên lửa tầm xa Taurus.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đang nỗ lực đạt được thỏa thuận ngân sách tại Brussels có thể gửi 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho Ukraine. Tuy nhiên, Hungary kiên quyết ngăn chặn các gói viện trợ khiến tiến độ bị đình trệ.

Sự phụ thuộc vào phương Tây của Ukraine và tâm lý mệt mỏi vì chiến sự đang đặt ra thách thức lớn cho Kiev khi chiến sự còn vài tháng nữa là bước sang năm thứ 3.

Čedomir Nestorović, giáo sư địa chính trị tại Trường Kinh doanh ESSEC, Singapore, cho biết: "Không có cách nào để Ukraine trả lương cho công chức hoặc binh lính nếu không có sự hỗ trợ ngân sách từ Mỹ và EU".

Ông nói với Newsweek: "Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đúng khi nói rằng nếu các nước phương Tây không giúp Ukraine thì Nga sẽ thắng".

Rạn nứt nội bộ Ukraine?

Theo Newsweek, ông Zelensky đang phải chịu áp lực lớn. Trong khi một số đồng minh phương Tây bày tỏ sự thất vọng vì chiến dịch phản công 6 tháng qua của Ukraine không đạt được bước tiến nào đáng kể dù đã huy động lượng lớn vũ khí, đạn pháo.

Giới chức Ukraine thừa nhận rằng họ đã không đạt được kết quả như kỳ vọng khi Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Valeri Zaluzhnyi cho rằng chiến sự đang "bế tắc".

Ông Zelensky vẫn thể hiện sự kiên quyết trong việc chiến đấu tới cùng với Nga, từ chối kịch bản đàm phán với Moscow.

Times dẫn các nguồn tin nói rằng, sự cứng rắn của ông Zelensky dường như đang làm ảnh hưởng tới nỗ lực của cấp dưới trong việc đưa ra một chiến lược hay thông điệp mới, ví dụ khả năng thương lượng với Nga để tìm giải pháp hòa bình cho xung đột.

Các đối thủ của ông Zelensky đã tăng cường lên tiếng trong những tuần gần đây, cáo buộc ông sai lầm khi chỉ đạo cuộc phản công, không dập tắt được nạn tham nhũng, và tránh tổ chức bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng 3.

Nhà phân tích quốc phòng Viktor Kovalenko, một cựu quân nhân Ukraine, cho rằng trong nội bộ của nước này đã xảy ra dấu hiệu rạn nứt, nhất là khi viện trợ từ phương Tây có dấu hiệu lung lay.

Trong khi đó, Nga, quốc gia bị áp 15.000 lệnh trừng phạt từ phương Tây, dù vẫn tồn tại các vấn đề trên chiến trường, nhưng đã chứng tỏ rằng họ vẫn là một cường quốc có tầm ảnh hưởng.

Bất chấp sự cô lập từ khối phương Tây, Nga vẫn được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán sẽ tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Nga cũng bán dầu vượt trên ngưỡng giá trần mà G7 đơn phương áp đặt để làm sụt giảm ngân sách từ ngành năng lượng của Moscow.

Nga tuần trước thông báo tăng ngân sách quốc phòng lên 70% cho năm 2024, dấu hiệu cho thấy Moscow đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao dài hơi. Nếu thiếu đi sự hỗ trợ của phương Tây, tiềm lực của Ukraine khó có thể so sánh với Nga.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine