1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine có thể dùng UAV giá rẻ "săn" trực thăng 10 triệu USD của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đoạn video ghi lại vụ chạm mặt của UAV Ukraine với trực thăng Ka-52 Nga khiến giới chuyên gia phương Tây phỏng đoán Kiev đang tìm cách để đối phó với mối đe dọa từ vũ khí "sát thủ" của Nga.

Ukraine có thể dùng UAV giá rẻ săn trực thăng 10 triệu USD của Nga - 1

Một trực thăng tấn công Ka-52 của Nga (Ảnh: Forbes).

Theo Forbes, Ukraine có thể đã tìm ra thêm một cách để đánh chặn trực thăng Ka-52 của Nga. Truyền thông Ukraine ngày 6/9 đăng một đoạn video ghi lại cảnh UAV góc nhìn thứ nhất của Ukraine, được cho gắn thuốc nổ, dường như đang tìm cách tấn công tự sát trực thăng Ka-52 Nga.

Chiếc UAV giá 3.000 USD đã gần như áp sát được trực thăng tấn công có giá khoảng 10 triệu USD của Nga cho tới khi chiếc Ka-52 phát hiện mối nguy hiểm và bẻ hướng bay để né tránh va chạm.

Vụ chạm mặt trên không giữa UAV Ukraine và trực thăng Ka-52 Nga

Theo các chuyên gia, Ka-52 không phải lúc nào cũng có thể dựa vào tốc độ để tự cứu lấy mình. Vũ khí mạnh nhất trên dòng trực thăng tấn công này là tên lửa chống tăng dẫn đường Vikhr.

Để dùng được Vikhr, Ka-52 phải bay ở mức thấp, cách mặt đất chỉ từ vài chục tới vài trăm mét, bắn tia laser về mục tiêu ở khoảng cách 10km rồi phóng tên lửa để nó bay tới mục tiêu.

Vấn đề là, trực thăng Ka-52 sẽ không thể di chuyển cho tới khi tên lửa Vikhr bay tới mục tiêu. Quá trình này có thể mất hàng chục giây, khiến Ka-52 dễ bị tổn thương trước phòng không Ukraine triển khai ở khu vực lân cận.

Để khắc phục, Nga để trực thăng Ka-52 bay ở khu vực ngoài tầm phòng thủ của tên lửa vác vai Ukraine, phóng tên lửa LMUR có tầm bắn 15km vào mục tiêu.

LMUR có thông số gấp đôi hầu hết các vũ khí phòng không do NATO cung cấp cho Ukraine, bao gồm cả Stinger (8km) và Gepard Flakpanzer (5,5km). Điều này giúp cho Ka-52 có thể tấn công mục tiêu bên ngoài tầm tấn công của hàng phòng thủ Ukraine. 

Ưu điểm của LMUR là cơ chế bắn - quên. Ví dụ, nếu dùng tên lửa chống tăng Vikhr, trực thăng Nga sẽ phải duy trì cơ chế chỉ đường bằng tia laser để vũ khí này tấn công mục tiêu. 

Trong khi đó, cơ chế bắn - quên của LMUR cho phép nó sử dụng hệ thống chỉ đường vệ tinh quán tính để tự bay tới mục tiêu mà không cần trực thăng chỉ đường trong cả hành trình. Điều này sẽ giúp trực thăng Ka-52 không đối mặt rủi ro bay vào khu vực có thể bị phòng không đối thủ tấn công.

Hồi tháng 7, tình báo Anh mô tả trực thăng tấn công Ka-52 ở Zaporozhia là "một trong những hệ thống vũ khí đơn lẻ có ảnh hưởng nhất của Nga" ở hướng Zaporozhia khi ngăn chặn hiệu quả nỗ lực phản công của Ukraine.

Tuy nhiên, theo Forbes, đoạn video ngày hôm qua cho thấy mối đe dọa mới đang rình rập Ka-52 trên tiền tuyến.

Trent Telenko, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Hợp đồng Quốc phòng Mỹ, một chuyên gia về tên lửa, nhận định: "Chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi một máy bay không người lái FPV bắn hạ một máy bay trực thăng tấn công giữa không trung".

Mối đe dọa của UAV giá rẻ là không thể bỏ qua. Những UAV này có thể lảng vảng trên không trong một thời gian, khóa mục tiêu bằng camera, và sẵn sàng lao vào trực thăng Nga vào thời điểm thích hợp.

Một ưu điểm là UAV tấn công tự sát không gây thiệt hại về nhân lực, trong khi nếu trực thăng Nga bị tấn công, họ có thể bị mất đi kíp lái. Quá trình đào tạo phi công thường mất rất nhiều thời gian và nguồn lực.

Hơn nữa việc trực thăng chỉ có giá trị vài nghìn USD phá hủy máy bay hàng triệu USD với cấu tạo phức tạp hơn nhiều được xem là chiến thuật tấn công hiệu quả. 

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine