1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine có nguy cơ cạn kiệt vũ khí đối phó chiến dịch quân sự của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một nhà làm luật của Ukraine cảnh báo nước này đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt vũ khí, và kêu gọi các nước phương Tây tăng cường viện trợ khí tài hiện đại cho phía Kiev.

Ukraine có nguy cơ cạn kiệt vũ khí đối phó chiến dịch quân sự của Nga - 1

Một pháo phòng không tự hành Gepard của Đức (Ảnh: Reuters).

Trả lời Reuters, nghị sĩ Ukraine Anastasia Radina cho rằng các nước phương Tây như Đức cần phải vượt qua sự do dự để viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt khí tài đối phó Nga.

"Chúng tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất và đó là nhận vũ khí hiện đại từ NATO vì chúng tôi không thể thắng cuộc chiến với các vũ khí có từ thời Liên Xô mà chúng tôi đang sở hữu", bà Radina tuyên bố.

Bà nói rằng, nguồn vũ khí có từ thời Liên Xô hiện chỉ còn số lượng hạn chế trên thế giới và Nga có nhiều khí tài loại này hơn hẳn Ukraine.

"Điều mà họ đang làm là chờ chúng tôi cạn kiệt vũ khí hoặc phương Tây trở nên kém đoàn kết hơn vì vấn đề của chính các nước này", bà Radina nói.

Nữ nghị sĩ cho biết, Ukraine cần vũ khí tầm xa hơn sau khi chủ yếu nhận được vũ khí phòng không và tên lửa chống tăng kể từ khi chiến sự diễn ra hôm 24/2. Bà Radina cho biết, Kiev cũng đã đề nghị phương Tây cung cấp hệ thống phòng không trên mặt đất để bảo vệ các thành phố Ukraine.

Bà Radina nói rằng phương Tây, trong đó có Đức, cần hiểu rằng Ukraine đang "sắp hết thời gian". Bà chỉ trích việc Đức chần chừ trong việc chuyển vũ khí cho Kiev. Tháng trước, Đức cam kết sẽ chuyển cho Ukraine xe tăng phòng không Gepard, động thái đánh dấu lần đầu Berlin quyết định gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine.

Tuy nhiên, Berlin sau đó cho biết lô xe tăng này sẽ được giao vào tháng 7.

Nữ nghị sĩ Ukraine cho rằng, tiến độ bàn giao như vậy là quá chậm trễ khi Nga đang tăng cường chiến dịch quân sự ở khu vực miền Đông.

Một trong những lý do khiến Đức bị kéo dài thời gian chuyển khí tài cho Ukraine là họ bị thiếu đạn cho xe tăng Gepard, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay.

Xe tăng Gepard sử dụng đạn 35 mm để ngăn chặn mục tiêu đối thủ. Đức không còn sử dụng loại đạn này nên chúng cần được sản xuất để chuyển cho Ukraine. Bản thân Đức cũng đã loại biên Gepard từ khoảng 10 năm trước nên dù vũ khí này vẫn được xem là uy lực, nhưng vấn đề đạn dược là một bài toán mà Đức đang cố gắng giải quyết để chuyển khí tài cho Ukraine.

Theo Reutersd
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm