1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine bối rối vì Mỹ chậm huấn luyện phi công F-16

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ và đồng minh chưa thể huấn luyện đủ số phi công lái F-16 như Ukraine mong muốn và điều này khiến cho Kiev bối rối khi tiêm kích do Washington sản xuất sắp được đưa tới nước này.

Ukraine bối rối vì Mỹ chậm huấn luyện phi công F-16 - 1

Tiêm kích F-16 (Ảnh: Getty).

Politico đưa tin, các quan chức Ukraine đang kêu gọi Mỹ và các nước khác tăng cường đào tạo phi công F-16 cho Kiev. Ukraine được cho ngày càng tỏ ra bối rối với tình hình hiện tại, cho rằng với tốc độ huấn luyện như hiện nay, họ sẽ khó có đủ phi công để vận hành đội tiêm kích sắp được chuyển tới cho Kiev.

Theo Politico, Ukraine năm ngoái có 30 phi công đủ điều kiện bắt đầu đến Mỹ đào tạo lái F-16 ngay lập tức. Tuy nhiên, theo một nguồn tin, Mỹ dường như nói với Ukraine rằng, chương trình đào tạo của nước này chỉ nhận tối đa 12 học viên phi công cho một khóa. Hai cơ sở khác ở Đan Mạch và Romania cũng gặp vấn đề tương tự về số suất đào tạo.

Đây được xem là rào cản lớn của Ukraine khi họ muốn tăng tốc vận hành F-16 càng nhanh càng tốt để ngăn chặn đà tiến của Nga trên chiến trường.

Ukraine đã bắt đầu kêu gọi phương Tây viện trợ F-16 từ năm 2022 nhưng nhiều lần bị từ chối. Tới tháng 5/2023, Mỹ mới cho phép các nước mua F-16 do Washington sản xuất được chuyển tiêm kích này cho Ukraine.

Kể từ đó, các nước phương Tây mới bắt đầu nỗ lực đào tạo phi công Ukraine. Một phi công sẽ phải trải qua một khóa học kéo dài trong nhiều tháng để có thể điều khiển thành thạo tiêm kích. 

Từ năm ngoái, các phi công Ukraine đầu tiên đã bắt đầu được huấn luyện ở căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Morris ở Tucson, Arizona, Mỹ.

Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Bỉ có kế hoạch bắt đầu chuyển 60 chiếc F-16 cho Ukraine vào mùa hè này.

Các nước phương Tây nhiều lần nhấn mạnh F-16 sẽ được chuyển cho Ukraine chừng nào Kiev sẵn sàng vận hành, tức là họ phải có đủ phi công, kỹ thuật viên, cơ sở hạ tầng sân bay, căn cứ, thiết bị.

Đây là một thách thức lớn với Kiev khi họ đã quen vận hành đội tiêm kích chuẩn Liên Xô cũng như các căn cứ của Ukraine liên tục bị Nga tấn công. Mặt khác, theo Politico, các nguồn tin nhận định, với tốc độ đào tạo phi công như hiện nay, Ukraine khó sớm có đủ người để lái phi đội F-16.

Nguồn tin cho biết, Ukraine đã liên tục vận động các nghị sĩ Mỹ nhằm thúc đẩy chính quyền đẩy nhanh hoạt động huấn luyện phi công F-16. Tuy nhiên, phía Mỹ nói rằng, ngoài việc mỗi khóa huấn luyện chỉ có một số lượng hạn chế suất đào tạo, thì cũng có những quốc gia khác đang xếp hàng để chờ đến lượt phi công của họ tham gia đào tạo.

Đây là những nước đã mua F-16 của Mỹ đi kèm với gói đào tạo và Washington không thể phá vỡ cam kết. Sasha Ustinova, một nhà lập pháp Ukraine, thừa nhận tình hình với Politico.

Người phát ngôn Không quân Mỹ Laurel Falls cho biết Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang lên kế hoạch đào tạo tổng cộng 12 phi công Ukraine vào cuối tháng 9 tại Tucson. Ngoài Arizona, cơ sở đào tạo ở Đan Mạch cũng có số suất hạn chế và chuẩn bị đóng cửa vào tháng 11. Chương trình thứ 3, đặt tại Romania và sẽ do các nhà thầu điều hành, đến nay vẫn chưa hoạt động và nếu hoạt động sẽ chỉ có số lượng ít suất đào tạo.

Thiếu tướng Erin Hannigan, người phát ngôn của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Arizona, xác nhận về những hạn chế liên quan tới hoạt động huấn luyện phi công Ukraine.

Quan chức này cho biết có nhiều lý do dẫn tới điều này, ví dụ như thứ tự yêu cầu đào tạo, nguồn ngân sách đào tạo và yêu cầu tiếng Anh của học viên phải đạt chuẩn trước khi được đào tạo.

Tổng cộng, Ukraine dự kiến sẽ có 20 phi công có khả năng điều khiển F-16 trong năm nay, chỉ bằng một nửa so với con số 40 cần thiết để vận hành phi đội gồm 20 máy bay phản lực.

Khó thay đổi cục diện

Trong khi đó, giới chức Mỹ nhiều tháng qua cảnh báo rằng F-16 sẽ không mang lại sự khác biệt quá lớn cho Ukraine trên chiến trường như kỳ vọng của phía Kiev.

Mặc dù các máy bay phản lực "sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng mà hiện tại họ chưa có… nhưng nó sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi một cách rõ rệt theo quan điểm của tôi", Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết.

Ví dụ, tại khu vực Kharkov, một quan chức Mỹ cho biết Ukraine sẽ không thể điều khiển các máy bay F-16 đến biên giới với Nga hoặc vào lãnh thổ Nga, vì hệ thống phòng không của Moscow sẽ dễ dàng phát hiện và bắn hạ chúng.

Mặt khác, với tốc độ đào tạo hiện tại, một cựu quan chức Mỹ ẩn danh nhận định với Politico rằng, Ukraine sẽ không có đủ phi công để vận hành một phi đội đầy đủ cho tới cuối năm 2025.

Một vấn đề khác là vũ khí mà F-16 sẽ sử dụng. Ukraine có kế hoạch triển khai F-16 để đánh chặn tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga bắn vào cơ sở hạ tầng của phía Kiev.

Những nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có tên lửa không đối không chính xác của Mỹ và hàng chục đồng minh NATO. Một quan chức NATO cho biết nhiều quốc gia trong số đó ngần ngại viện trợ những vũ khí này với số lượng lớn cho Kiev vì chúng rất đắt đỏ.

Theo Politico
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm