1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga coi F-16 của NATO ở Ukraine là tín hiệu hạt nhân

Minh Phương

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, Moscow coi F-16 của phương Tây ở Ukraine là mối đe dọa hạt nhân, song khẳng định vũ khí này cũng không thể thay đổi tình hình chiến trường Ukraine.

Nga coi F-16 của NATO ở Ukraine là tín hiệu hạt nhân - 1

Một máy bay chiến đấu F-16 của Đan Mạch (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn Sputnik, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ coi việc các thành viên NATO cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là một tín hiệu hành động trong lĩnh vực hạt nhân của liên minh quân sự này.

"Máy bay chiến đấu F-16 từ lâu đã là phương tiện vận chuyển chính trong khuôn khổ cái gọi là sứ mệnh hạt nhân chung của NATO. Vì vậy, chúng tôi không thể không coi việc cung cấp các hệ thống này cho Ukraine là một hành động báo hiệu có chủ ý của NATO trong lĩnh vực hạt nhân. Họ đang cố gắng nói rõ với chúng tôi rằng Mỹ và NATO đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì ở Ukraine", Ngoại trưởng Lavrov nói.

Ông nhấn mạnh, việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 này sẽ không thể làm thay đổi tình hình chiến trường Ukraine dưới bất cứ hình thức nào.

"Những máy bay này cũng sẽ bị phá hủy như những vũ khí khác mà NATO đã cung cấp cho Ukraine", ông Lavrov cảnh báo.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng, việc cung cấp vũ khí có sức tàn phá ngày càng tăng cho Ukraine cho thấy phương Tây không có thiện chí chấm dứt xung đột.

Ông cũng tuyên bố thêm, các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga và Belarus sẽ khiến các đối thủ phương Tây hiểu rõ về hậu quả của việc leo thang.

"Chúng tôi hy vọng rằng cuộc tập trận Nga - Belarus tổ chức những ngày này để thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược sẽ khiến đối thủ của chúng tôi phải lý trí, nhắc nhở họ về hậu quả thảm khốc của việc leo thang hạt nhân hơn nữa", ông nói.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi có thông tin Ukraine có thể tiếp nhận những máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do phương Tây viện trợ trong vài tuần tới. Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy đã cam kết chuyển các máy bay F-16 thế hệ thứ 4 do Mỹ sản xuất cho Kiev. Ước tính, Ukraine có thể nhận được hơn 100 máy bay loại này.

F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Máy bay được thiết kế để có thể thực hiện các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không. F-16 có khả năng mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom, trong đó có bom hạt nhân.

Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông cáo nói rằng Moscow sẽ coi F-16 mà Ukraine sắp tiếp nhận là mối đe dọa hạt nhân và việc phương Tây chuyển giao chúng là hành động khiêu khích.

Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo Kiev và các nước phương Tây đang đẩy cuộc xung đột tại Ukraine đến ranh giới không thể quay đầu.

Trả lời phỏng vấn truyền thông hôm qua, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga sẽ tăng cường kho hạt nhân và có thể dỡ bỏ những hạn chế đối với hoạt động triển khai tên lửa nếu Mỹ triển khai tên lửa ở châu Âu hay châu Á.

"Chúng tôi không loại trừ các bước bổ sung trong lĩnh vực răn đe hạt nhân vì tên lửa Mỹ sẽ có khả năng tấn công các trung tâm chỉ huy và các cơ sở trong kho vũ khí hạt nhân của chúng tôi", ông cho biết.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine